Khởi nghiệp: Khi ‘nhà đầu tư thiên thần’ cũng gặp khó

 
Loading...
Khởi nghiệp: Khi ‘nhà đầu tư thiên thần’ cũng gặp khó
18/7/2016 12:00:00 AM
Khởi nghiệp: Khi ‘nhà đầu tư thiên thần’ cũng gặp khó
(Chinhphu.vn) – Nhà đầu tư bỏ 10 triệu USD vào 10 vụ khởi nghiệp, 9 thất bại, một vụ thành công lãi 11 triệu, như vậy tổng lãi chỉ vỏn vẹn một triệu USD. Nhưng khi rút vốn, nhà đầu tư lại có thể bị lỗ…

 

 

 

Khung pháp lý cho hoạt động “đầu tư thiên thần” thực tế đang gặp rất nhiều rào cản. Trong ảnh là nhóm khởi nghiệp KitFe. Ảnh VGP/Việt Hải

 

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định khởi nghiệp có thành công hay không chính là việc kêu gọi được đầu tư. Tuy nhiên, những vướng mắc, trong đó nổi lên là vấn đề về pháp lý, đang gây nhiều cản trở khiến doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết.

 

Nguồn đầu tư tài chính cho khởi nghiệp thường đến từ bốn cấu thành: các nhà đầu tư (NĐT) tư nhân trực tiếp thực hiện đầu tư mạo hiểm (NĐT thiên thần), các quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH), thị trường vốn (thị trường chứng khoán, ngân hàng) và cuối cùng là từ nguồn ngân sách Nhà nước.

 

Trong đó, vai trò của “NĐT thiên thần” thường rất quan trọng trong giai đoạn thai nghén khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, phần lớn những doanh nhân thành công tại Việt Nam, chính là những người nắm giữ nguồn vốn đầu tư lớn, lại thường chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh “thực tế” như bất động sản, tài chính hay khai thác tài nguyên,… vì vậy, họ không mấy khi hào hứng việc “ném tiền” đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm.

 

Giải quyết vấn đề này thế nào? Lời khuyên của nhiều chuyên gia cho rằng trước hết startup phải tìm cách tự chứng minh được giá trị ý tưởng của mình với NĐT. CEO của Student Life Care Eric Hà chia sẻ, ngoài các kỹ năng như phát triển ý tưởng và quản trị,… kỹ năng “gọi vốn” cũng là vô cùng cần thiết đối với startup. Các startup phải chứng minh rằng, sản phẩm họ làm ra nếu được đầu tư sẽ trở thành một thương phẩm có giá trị và hấp dẫn người mua trên thị trường. Đây là điểm “cốt lõi” để các NĐT xem xét việc nên hay không bỏ tiền vào một startup.

 

Còn về phía Nhà nước, để gỡ khó về vốn cho khởi nghiệp cần có ngay những chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc đầu tư vào khởi nghiệp là có lợi. Ví dụ, cần ưu đãi thuế chuyển nhượng vốn hoặc hiệu quả hơn là ưu đãi thuế thu nhập trực tiếp, nghĩa là loại trừ khoản đầu tư khởi nghiệp ra khỏi thu nhập trước thuế tại năm phát sinh việc đầu tư…

 

Lãi thành lỗ

 

Đặc biệt, một số ý kiến cũng đang lo ngại rằng, khung pháp lý cho hoạt động “đầu tư thiên thần” thực tế đang gặp rất nhiều rào cản. NĐT Trần Hoài Trung nêu ví dụ: Nếu một NĐT bỏ 10 triệu USD vào 10 vụ khởi nghiệp, 9 thương vụ thất bại, 1 thương vụ thành công lãi 11 triệu, như vậy tổng lãi chỉ vỏn vẹn một triệu USD.

 

Tuy nhiên, để rút vốn, theo Luật Doanh nghiệp, NĐT phải chịu khoản thuế chuyển nhượng vốn bằng 20% trên tổng mức lãi 10 triệu USD (tính từng DN), tương đương 2 triệu USD và như vậy, doanh nghiệp startup vẫn bị lỗ một triệu USD.

 

Trên thực tế, các NĐT đã tìm ra khe để “lách” bằng cách chuyển DN khởi nghiệp thành công ty cổ phần và vận dụng thuế chuyển nhượng cổ phần (0,1% giá chuyển nhượng) theo Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, đối với những người chưa am hiểu các “mẹo luồn lách”, gặp tình huống này sẽ rất ngại đầu tư.

 

Tiếp bước các “NĐT thiên thần” thường là quỹ ĐTMH với vai trò không chỉ cung cấp tiền mặt mà còn dìu dắt, giới thiệu DN startup đến mạng lưới các NĐT, đối tác, khách hàng... Một quỹ ĐTMH tốt sẽ là “đòn bẩy” để DN startup lớn mạnh. Hiện nay, tại Việt Nam đã có không ít quỹ ĐTMH cả trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như FPT Ventures (Việt Nam), IDG Ventures (Hoa Kỳ), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), 500 Startup (Hoa Kỳ),…

 

Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các quỹ này bỏ ra còn rất hạn chế, nguyên nhân một phần do khả năng thoái vốn khỏi các DN startup Việt rất khó khăn. Trên thế giới, cách đơn giản nhất để thu hồi tiền về là bán cổ phần lần đầu (IPO) DN khởi nghiệp sáng tạo. 



Phó Chủ tịch Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho biết: Giả sử, chúng ta “ươm” thành công các DN khởi nghiệp từ bây giờ, thì 5-10 năm nữa, các DN này sẽ đủ mạnh và lúc đó cần phải có đầu ra cho các NĐT. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đủ phát triển để ra đời thị trường dành cho cổ phiếu công nghệ, hay những DN chưa có lợi nhuận, có thể được lên sàn gọi vốn. Vì đây là kênh thoái vốn vô cùng quan trọng cho các NĐT mạo hiểm nên việc “nâng cấp” thị trường chứng khoán cần phải được xây dựng lộ trình ngay từ bây giờ.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định cơ chế có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, trong đó có cộng đồng DN khởi nghiệp. Thực tế cho thấy nếu chỉ “cởi trói”, tháo gỡ vướng mắc là chưa đủ, mà cần thúc đẩy thực hiện những cơ chế đó để mọi DN, trong đó có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

 

Chính phủ đã cam kết sẽ tiếp tục tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm khuyến khích cộng đồng DN, các vườn ươm, quỹ, các thiết chế,… liên quan để khởi nghiệp phát triển, cộng đồng DN đang hết sức trông đợi điều này.

 

Nhật Nam

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày