Làm sao để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ đầu mối?

 
Loading...
Làm sao để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ đầu mối?
30/6/2018 11:14:00 PM
Làm sao để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ đầu mối?

(Chinhphu.vn) - Các chợ đầu mối hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.

An toàn vệ sinh thực phẩm còn trôi nổi

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phân luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn.

Cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ trên cả nước. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, Đồng Tháp…, chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Ông Hội cho rằng, hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn chủ yếu áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương nhân gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn….

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, ở các chợ đầu mối, nguồn hàng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc, xuất xứ khi cần thiết.

“Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng”, ông Hội nhận định.

Cùng quan điểm trên, theo ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TPHCM, tại chợ đầu mối hiện nay, việc quản lý hàng hóa có đủ tiêu chuẩn, chứng từ hay không rất khó khăn

“Đơn cử như Chợ lớn Bình Điền, Hóc Môn, một ngày có nhiều xe đi vào chợ. Làm sao xe chở hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ, xuất xứ. Ban quản lý chợ phải quản lý được điều này. Bên cạnh đó, phải quản lý cạnh tranh giá lành mạnh qua sàn giao dịch khi có điều kiện; giá cả minh bạch, không thao túng thị trường, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, giảm lượng rác thải… tại các chợ đầu mối”, ông Chung nói.

Giám sát và thực thi tiêu chuẩn chặt chẽ

Từ những vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Hội, việc xây dựng và quản lý chợ đầu mối cần gắn với giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Cần sử dụng các biện pháp như phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản… cùng với hàng loạt biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ”, ông Hội nói.

Một thực tế nữa được ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam đưa ra tại hội thảo cũng liên quan tới vấn đề kiểm tra, kiểm soát đó là việc người sản xuất là nông dân, nhưng chính người nông dân lại e ngại với việc áp dụng mã số, mã vạch và hầu như chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại.

“Mặc dù đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TPHCM và tại nhiều chợ đầu mối đang sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ nhưng các công ty này chưa làm theo tiểu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu, mà theo tư duy nhỏ lẻ của doanh nghiệp”, ông Chính cho hay.

Công cụ mã số mã vạch sẽ giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong việc xác định chất lượng, giá trị sản phẩm có đúng như công bố hay không. Áp dụng mã số mã vạch, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm vào các thông tin được cung cấp.

Tuy nhiên, thông tin thêm, ông Bùi Bá Chính cho biết, sắp tới, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (GS1) của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Lúc đó, các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau, như thế giá trị mới lớn, mới tạo được hiệu quả mang tính chất quốc gia cũng như quốc tế.

Chủ tịch Hội công nghệ cao TPHCM Đào Hà Chung cũng cho rằng, điều chúng ta đang thiếu là truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ quản lý nhà nước nắm thông tin trong nước, cân bằng cung cầu để giải cứu nông sản.

“TPHCM đã từng vỡ trận trong quản lý thịt lợn, nhưng bây giờ thịt lợn vào chợ Hóc Môn và 3.200 điểm bán hàng của TPHCM và các điểm lân cận đã ổn định, nhờ vào việc truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ 4.0...”, ông Chung dẫn chứng.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, để khắc phục những hạn chế của chợ đầu mối hiện nay về mặt quản lý Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Đặc biệt là việc xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại, bao gồm quản lý và phát triển chợ thay thế cho Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.

Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với các khu, cụm dân cư, trung tâm kinh tế, thị trấn, thị xã, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các trục giao thông dẫn đến các vùng kinh tế và các địa phương trong và ngoài nước.

Phan Trang
Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày