Ngành sản xuất ô tô: Đầu tư trọng điểm, liên kết mới mạnh

 
Loading...
Ngành sản xuất ô tô: Đầu tư trọng điểm, liên kết mới mạnh
26/10/2018 11:53:05 PM
Ngành sản xuất ô tô: Đầu tư trọng điểm, liên kết mới mạnh

(Chinhphu.vn) –  Muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thành một chuỗi cung ứng đầu vào cho các DN sản xuất, lắp ráp. Trong đó, mỗi DN cần xác định rõ các dòng sản phẩm chiến lược của mình để đầu tư có trọng điểm.

Nhiều động lực phát triển

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Riêng thị trường nội địa hơn 90 triệu dân thì có 67% trong độ tuổi lao động (dân số vàng) với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10% năm; trong đó, vận chuyển hành khách chiếm khoảng 91,4%.

Ô tô cá nhân ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, tuy nhiên, mới khoảng 25 người sở hữu ô tô/1.000 dân, trong khi các nước phát triển là khoảng 400 xe/1.000 dân. Đồng nghĩa quy mô thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng phát triển.

Mặt khác, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Cơ hội trở thành đối tác và nhà cung ứng cho các DN nước ngoài của DN nội địa cũng sẽ cao hơn.

Bên cạnh nhu cầu thị trường, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ các chính sách của Chính phủ. Cụ thể, Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản hình thành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, những cơ chế, chính sách mới được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành gần đây đều khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong tiến trình nội địa hóa sản phẩm cuối cùng là ô tô tại Việt Nam. Nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện ưu tiên về hạ tầng, tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, nhân lực cho các DN đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô và sản xuất ô tô.

Cùng quan điểm, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa bao giờ được ưu đãi tốt như hiện nay. Các chính sách ưu đãi cho DN mới đầu tư và hỗ trợ DN đã sản xuất cũng rất cụ thể và thiết thực.

Các DN công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng mức thuế thu nhập DN tương đương với DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao (10%), đây là mức ưu đãi về thuế cao nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay.

Còn nhiều thách thức

Ông Phạm Tuấn Anh nhận định, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành và mới sản xuất được một số chủng loại phụ tùng, linh kiện đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Việt Nam vẫn chưa có nhà máy đầu tư vào chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô như động cơ, hộp số, hệ thống chuyển động. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp.

Cả nước mới chỉ có khoảng 300 DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình.

Thêm vào đó, chi phí sản xuất các linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam vẫn còn cao do nguyên liệu đầu vào của DN công nghiệp hỗ trợ như các loại thép, nhựa, hóa chất, khuôn mẫu vẫn phải nhập khẩu. Việc sử dụng công nghệ sản xuất cũ khiến tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu lớn, nhiều sản phẩm lỗi, hỏng cũng làm giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao nên khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Dưới góc độ DN đang xâm nhập lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên cho biết, các công ty cung cấp linh kiện, phụ tùng thứ cấp phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về sản xuất như chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng. Ngoài ra, DN muốn trở thành cung ứng cấp 1 còn phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đây là điều từ trước tới nay rất ít DN Việt Nam quan tâm và đáp ứng được.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chưa đủ lớn để thu hút các DN công nghiệp phụ trợ đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành sản xuất ô tô trong nước. Theo các chuyên gia, để đầu tư một dây chuyền sản xuất ô tô có lợi nhuận thì sản lượng sản xuất hằng năm phải đạt từ 500.000 chiếc trở lên; trong khi đó, quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện chỉ gần 300.000 chiếc/năm mà lại chia nhỏ cho nhiều thương hiệu, dòng xe khác nhau.

TS. Trương Thị Chí Bình cho rằng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Hiệp định ATIGA khiến giá ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước trong khu vực rẻ hơn trước đây rất nhiều. Các dòng xe ô tô sản xuất ở nước ngoài đã chờ đợi thời cơ này để nhanh chóng tràn vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường đe dọa đến sự tồn tại và phát triển đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (bao gồm cả các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô) trong nước vốn có năng lực cạnh tranh hạn chế.

Kết quả khảo sát 200 DN sản xuất linh kiện ở Việt Nam cho thấy, mới có 64% DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000; 9001), 44% DN thực hiện phương pháp quản lý (5S, LEAN, 6 sigma..), 16% DN đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường (ISO 14000; 14001), số DN ứng dụng quản lý năng lượng ISO 50001, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nghề nghiệp OHSAS 18001 rất ít; thậm chí, chưa có DN thực hiện trách nhiệm xã hội (SA 8000).

DN phải thức thời

 

PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Thường trực VASI cho rằng, các DN Việt mới chỉ định hình đầu ra cho các sản phẩm là ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước mà không đề ra mục tiêu lớn hơn là tham gia vào các chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu. Thực tế, có nhiều quốc gia chưa có ngành công nghiệp sản xuất ô tô nội địa (chưa có thương hiệu ô tô) nhưng ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô vẫn rất phát triển.

Là nhà cung ứng cấp 1 cho Honda Việt Nam, ông Vũ Quang Tâm, Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) chia sẻ, quan trọng nhất, DN công nghiệp hỗ trợ phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất chính mới có thể tham gia lâu dài vào chuỗi cung ứng.

Theo ông Vũ Quang Tâm, đặc trưng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô là được lắp ráp từ hàng nghìn chi tiết, linh kiện khác nhau và không có một DN hay hãng xe nào có thể sản xuất tất cả các linh kiện, phụ tùng. Vì vậy, mỗi DN cần xác định rõ các dòng sản phẩm chiến lược của mình để đầu tư có trọng điểm.

Khi đã lựa chọn được sản phẩm, DN phải nâng cấp trang thiết bị, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất; thường xuyên rà soát các chi phí để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động nâng cao chất lượng nhân lực để duy trì chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín, thương hiệu cho DN.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup cho rằng, muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thành một chuỗi cung ứng đầu vào cho các DN sản xuất, lắp ráp.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị DN công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam cần làm tốt khâu thương mại hóa sản phẩm thông qua khai thác các công cụ bán hàng; thường xuyên tìm kiếm đối tác mới nhằm mở rộng thị trường, cơ hội phát triển và giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với một đối tác duy nhất. Đây là điều kiện quan trọng để DN làm công nghiệp hỗ trợ phát triển trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ông Phạm Tuấn Anh thì cho rằng, muốn xây dựng nền tảng tốt cho ngành công nghiệp ô tô, phải tăng cường vai trò của Nhà nước thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, gỡ bỏ các rào cản để DN chủ động phát triển theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, ngoài các cơ chế, chính sách đã ban hành, cần nghiên cứu tiến tới xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ.

Song song đó, cần rà soát, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ bám sát với chuỗi giá trị sản xuất ô tô; chú ý chuyển dịch phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất các loại ô tô mới như: Ô tô tự lái, ô tô điện, ô tô xăng dầu phi khoáng… Trên cơ sở đó, có chính sách hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý trong quản trị DN, quản trị sản xuất đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu, ông Tuấn Anh nhận xét.

Ở góc độ DN, ông Vũ Quang Tâm đề xuất, cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các chi tiết linh kiện sản xuất trong nước để khuyến khích DN trong nước tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Hơn nữa, các chính sách phát triển ngành cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các DN yên tâm đầu tư, vì đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phát triển sản xuất các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa nguyên liệu trong thành phẩm và giảm chi phí do nhập khẩu nguyên liệu. Bởi nếu không giải được bài toán chi phí sản xuất thì DN trong nước không thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Hương Thảo (tổng hợp)

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày