Trở ngại giảm dần nhưng DN nhỏ lo phải ‘bôi trơn’ nhiều hơn

 
Loading...
Trở ngại giảm dần nhưng DN nhỏ lo phải ‘bôi trơn’ nhiều hơn
10/11/2016 12:00:00 AM
Trở ngại giảm dần nhưng DN nhỏ lo phải ‘bôi trơn’ nhiều hơn
(Chinhphu.vn) - Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa về môi trường kinh doanh Việt Nam 2015, rào cản đang ít đi, môi trường kinh doanh sáng dần lên.

Môi trường kinh doanh với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được cải thiện.

Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và đối tác công bố sáng 9/11.

Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh dần cải thiện, giải pháp Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần quyết liệt loại bỏ.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, ví von hình ảnh môi trường kinh doanh như một bể cá mà trong đó mỗi doanh nghiệp như con cá trong đó. Trong môi trường đó, “cá” sống và phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào môi trường trong bể. Muốn biết bể cá đó thực sự tốt đến đâu, thì cần đánh giá từ thực tế xem “cá” trong đó sống ra sao.

Theo báo cáo, năm 2015, có tới 83% số doanh nghiệp được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013. Trong đó, những cản trở nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp điều tra là: thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.

Lý giải về trở ngại lớn nhất này, GS. Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới cho rằng có thể do việc triển khai các chính sách này vẫn còn chậm trên thực tế hoặc các hình thức hỗ trợ đầu tư từ các chương trình của Chính phủ chưa thực sự nhắm tới nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đáng chú ý, mặc dù đã có cải thiện, song có tới 42,7% doanh nghiệp cho biết vẫn phải chi cho các khoản “bôi trơn” và 40% doanh nghiệp nói sẽ phải tăng khoản chi này lên trong thời gian tới. 

Cụ thể, doanh nghiệp chi tiền lót tay nhằm mục đích tiếp cận các dịch vụ công, giải quyết vấn đề thuế, hải quan... Tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” năm 2015 là 18,75% số doanh nghiệp tham gia khảo sát; tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015. “Các nguyên nhân khác” có tỷ lệ phí phi chính thức tăng cao từ 35- 38%, như chi phí “để giải quyết các vấn đề liên quan đến hải quan", “để có được giấy phép và chứng chỉ”…

GS. Finn Tarp đánh giá tổng thể rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang dần thay đổi tích cực hơn. Xét từ góc độ môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Việt nam đi đang đúng hướng. Việc doanh nghiệp từ phi chính thức đang dần chính thức hóa, so với mặt bằng chung của thế giới, là rất tốt và cần tiếp tục được thúc đẩy.

Tuy nhiên, GS. Finn Tarp cũng lo ngại rằng, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Khi mọi thứ minh bạch thì chi phí không chính thức chắc chắn sẽ giảm” - GS. Finn Tarp nhấn mạnh.

Thành Đạt

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày