Thủ tướng tiếp xúc song phương nhiều lãnh đạo thế giới bên lề ASEM

 
Loading...
Thủ tướng tiếp xúc song phương nhiều lãnh đạo thế giới bên lề ASEM
20/10/2018 03:57:24 PM
Thủ tướng tiếp xúc song phương nhiều lãnh đạo thế giới bên lề ASEM

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), chiều ngày 18 và sáng ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo cho các nhà lãnh đạo các nước về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam vào công việc chung của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước thành viên EU cùng thúc đẩy sớm ký và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được Uỷ ban châu Âu thông qua ngày 17/10 vừa qua. Cùng với PCA, EVFTA sẽ là cơ sở quan trọng đưa quan hệ Việt Nam và EU vào giai đoạn phát triển mới cũng như tăng cường hợp tác ASEAN-EU, kết nối EU với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam - ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế một khi được tín nhiệm bầu vào cơ quan quan trọng này.

Lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nước thành viên EU ủng hộ EVFTA và cho rằng việc sớm ký và thông qua EVFTA cũng sẽ là bước tiến rất có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa chiến lược kết nối EU-châu Á của EU.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp với Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec . Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp, lâu dài với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Slovenia. Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy những bước phát triển tích cực trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng trưởng nhanh, năm 2017 đạt 328 triệu USD so với 59 triệu USD năm 2013, trung bình mỗi năm tăng 75%; đánh giá cao thành công của Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia. Hai bên thống nhất duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao đồng thời triển khai một số biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong các lĩnh vực vận tải biển, du lịch, dược phẩm, đồ gia dụng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Gặp gỡ Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển, hợp tác giữa hai nước trên tinh thần Đối tác chiến lược, đề nghị Chính phủ Tây Ban Nha khuyến khích các công ty Tây Ban Nha tăng cường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực Tây Ban Nha có thế mạnh và kinh nghiệm như năng lượng, công nghệ cao, giáo dục, hạ tầng… Thủ tướng Tây Ban Nha ủng hộ tăng cường quan hệ song phương Việt Nam-Tây Ban Nha và quan hệ Việt Nam với EU, mong muốn tăng cường hợp tác du lịch, giáo dục đào tạo, nhất là văn hoá và ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam.

, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trao đổi với Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Mông Cổ đã dành sự đón tiếp trọng thị, chân tình trong chuyến thăm Mông Cổ năm 2016 nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEM 11; chúc mừng sự phát triển tích cực của đất nước Mông Cổ, khẳng định quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai nước. Hai bên hài lòng trước những tiến triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt hai nước đang hướng tới mốc 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2019, giao Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2019. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc Cấp cao và các cấp, cùng nỗ lực thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu các mặt hàng bổ trợ vào thị trường của nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mông Cổ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác liên doanh tại Mông Cổ bao gồm tham gia khai thác, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực khai khoáng và dầu mỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong cuộc gặp song phương, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng trước bước tiến trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Lan tạo điều kiện cho cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường Hà Lan, khẳng định Việt Nam mong muốn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hà Lan, đặc biệt là các dự án lớn và lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh như nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, hoá chất, năng lượng tái tạo, quản lý nước, kinh tế biển, logistic. Thủ tướng Hà Lan nêu rõ Chính phủ Hà Lan sẵn sàng khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế biển, chống biến đổi khí hậu, chống xói mòn bờ biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam gặp Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, hai bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị, bạn bè truyền thống, đặc biệt là có nhiều thế hệ người Việt Nam từng học tập tại Ba Lan và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Ba Lan. Đây chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của mỗi nước; hai bên cần phối hợp triển khai tốt các thoả thuận đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ba Lan năm 2017, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Ba Lan khẳng định ủng hộ việc nhanh chóng đưa EVFTA đi vào thực thi và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam rtên các lĩnh vực quốc phòng, môi trường, tăng trưởng xanh, đào tạo đại học…

Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trao đổi với Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Phần Lan đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong nhiều năm qua, các dự án hỗ trợ phát triển của Phần Lan đã góp phần vào nâng cao chất lượng đời sống người dân và xã hội ở Việt Nam, mong muốn Phần Lan tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo trong bối cảnh sinh viên Việt Nam rất quan tâm đến học tập và đào tạo tại Phần Lan. Thủ tướng Phần Lan nhất trí cần phối hợp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, môi trường, xử lý nước, xây dựng đô thị thông minh, giáo dục đào tạo…Hai bên nhất trí bên cạnh quan hệ song phương, cần duy trì và tăng cường phối hợp trong các khuôn khổ đa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker gặp song phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong cuộc gặp song phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam-EU đang có sự phát triển năng động trong nhiều lĩnh vực, chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu ngày 17/10 đã thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) để trình lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận, đề nghị hai bên thể hiện quyết tâm đẩy nhanh các thủ tục để ký chính thức, hiện thực hóa các lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại cho cả hai bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA nhằm tranh thủ những cơ hội mà hiệp định mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và EU, khẳng định EU rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu hoan nghênh việc ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản Việt Nam-EU (VPA/FLEGT) nhằm đáp ứng các lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội của cả hai bên. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai môt cách hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển cuả EU dành cho Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EC xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có tiếp xúc song phương bên lề với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nga Medvedev, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, nhất trí tạo thêm các điều kiện thúc đẩy thương mại đầu tư, phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao; cùng nhau duy trì nâng cao hiệu quả cơ chế đa phương và vai trò của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc.

Đức Tuân

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • banner phải 2
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày