Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội

 
Loading...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội
12/7/2016 12:00:00 AM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội

 

 

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc cho rằng, Chính phủ tuy mới được kiện toàn song đã bắt tay ngay vào công việc, cả bộ máy vào cuộc thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, mặc dù tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ năm trước, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm, nhưng kết quả đó cũng phản ánh sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong 6 tháng đầy khó khăn vừa qua.

 

Đối với việc điều tra và công bố nguyên nhân làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kết quả hoạt động “rất kiên quyết, tập trung” của Chính phủ là đã buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải nhận trách nhiệm và bồi thường do hành vi xả thải không qua xử lý ra môi trường biển, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt. Qua đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ lưu ý tới việc khắc phục hậu quả gây ô nhiễm của Công ty Formosa Hà Tĩnh, giải pháp khắc phục như thế nào; làm rõ nguyên nhân chủ quan trong phê duyệt, thẩm định dự án Formosa Hà Tĩnh; cần tính lại với những dự án như vậy thì có phải là công trình trọng điểm quốc gia hay không, do cấp nào xét duyệt; chính sách với Formosa Hà Tĩnh cũng cần xem xét lại như có cho phép điều chỉnh quy mô dự án không, có điều chỉnh lại ưu đãi hay không… Những vấn đề đó cần được nêu rõ ở phần giải pháp 6 tháng cuối năm trong báo cáo của Chính phủ để có giải pháp khắc phục triệt để, không để xảy ra với những dự án khác.

 

Thời gian còn lại của phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng.

 

Thẩm tra Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để tạo thuận lợi hơn cho Đà Nẵng trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thì cần tăng tính “đột phá” về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý và thể chế hóa các nội dung đã được thể hiện trong Kết luận số 75-KL/TW ngày 12/11/2013 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" thì việc ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách đối với Đà Nẵng.

 

Cơ quan thẩm tra nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở pháp lý ban hành Nghị định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cho Thành phố. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước hiện hành  thì chỉ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (không bao gồm Thành phố Đà Nẵng). Còn Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (Điều 74) thì có quy định cho phép một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách, tuy nhiên đến 01/01/2017 Luật mới có hiệu lực thi hành. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, việc cho phép ban hành cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Đà Nẵng là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cho áp dụng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Đà Nẵng từ năm 2017 theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Còn đối với một số vấn đề phát sinh trong năm ngân sách 2016 đòi hỏi phải có quy định đặc thù thì áp dụng theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành (Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg).

 

Chủ trì thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Nghị định áp dụng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng chỉ áp dụng từ 1/1/2017 theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước 2015. Về các cơ chế phân cấp khác, như phân cấp cho quản lý, đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai....

 

Theo chương trình, ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày