Lập nhiều công ty tài chính “ma” để lừa đảo

 
Loading...
Lập nhiều công ty tài chính “ma” để lừa đảo
25/9/2021 01:07:54 PM
Lập nhiều công ty tài chính “ma” để lừa đảo

(CHG) Mặc dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng Nguyễn Minh Hiệp (SN 1985, ngụ tỉnh Bình Dương) vẫn thành lập nhiều công ty tài chính “ma”, với mục đích sử dụng pháp nhân các công ty này để tạo vỏ bọc khi tiếp xúc, đàm phán với các doanh nghiệp (DN) cần nguồn vốn lớn để đầu tư dự án.

Liên quan đến vụ lừa đảo trên, ngày 22/9, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Hiệp và 2 bị can khác là Võ Văn Cậm Em (SN 1964), Đỗ Phú Phong (SN 1974, đều ở TP Hồ Chí Minh) cũng hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty CP thương mại Hữu Nghị Toàn Cầu (Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu) trụ sở ở tỉnh Đắk Lắk, do ông Phan Hữu Nghị (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đại diện pháp luật. Do có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh nên Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu lập thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất bao bì giấy carton. Nhưng vì thiếu nguồn vốn đầu tư lớn, để đảm bảo đủ kinh phí triển khai dự án thì cần huy động, hợp tác nhiều nguồn lực tài chính khác.

Để tìm nguồn vốn, qua giới thiệu của một người quen, ngày 20/5/2019 ông Nghị đã đến Công ty CP Đầu tư tài chính Rolex (viết tắt Công ty Rolex, trụ sở ở TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Minh Hiệp làm Chủ tịch HĐQT và Võ Văn Cậm Em làm cổ đông sáng lập. Tại đây, Hiệp giới thiệu là công ty đang nắm giữ nguồn tiền rất lớn, có khả năng đầu tư vào dự án của Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu.

Lập nhiều công ty tài chính “ma” để lừa đảo -0
Bị can Nguyễn Minh Hiệp.

Sở dĩ Hiệp mạnh miệng tuyên bố hợp tác “làm ăn” này là do trước đó Hiệp kết bạn với Đỗ Phú Phong, được Phong giới thiệu là thành viên Công ty TNHH Tư vấn thương mại và Đầu tư H.P (viết tắt Công ty H.P; Trụ sở ở TP Hồ Chí Minh) do ông Vũ Văn Sơn (SN 1970) làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Qua trao đổi, Phong biết Hiệp đang cần các tài liệu thể hiện sở hữu số tiền lớn để làm phương tiện lừa phía công ty Hữu Nghị Toàn Cầu.

Tình cờ, cũng tại thời điểm này, Phong được ông Sơn giao cho việc trông coi công ty và Phong phát hiện có bộ hồ sơ “chứng nhận sở hữu di sản” để tại công ty, có nội dung ông Sơn là người sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD tại một ngân hàng ở Mỹ. Vì được Hiệp hứa chia 1 triệu USD nếu cung cấp các tài liệu trên, Phong đồng ý và đã tự ý lấy bộ hồ sơ này giao cho Hiệp. Sau khi có bộ tài liệu trên, Hiệp đưa ông Nghị xem các giấy tờ trong hồ sơ và hình ảnh số lượng lớn USD, vàng, để ông Nghị tin tưởng. Hiệp cũng thông tin với ông Nghị rằng, công ty Rolex đang làm các thủ tục trình Chính phủ Việt Nam để chuyển số tiền trên về nước đầu tư. Nếu ông Nghị cần nguồn vốn, thì chuyển trước cho Hiệp 130.000 USD để làm chi phí mở cổng thanh toán quốc tế và chi phí cho các đơn vị có liên quan. Hiệp cam kết trong vòng 4 ngày sẽ mở cổng thanh toán quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ giải ngân nguồn tiền từ nước ngoài về.

Tin tưởng, ngày 21/5/2019 ông Nghị chuyển hơn 3 tỷ đồng (tương đương 130.000 USD) vào tài khoản của Hiệp. Đến hẹn, Hiệp tiếp tục viện lý do bị trục trặc thủ tục nên chưa thể giải ngân được nguồn tiền và Hiệp cần thêm 200 triệu đồng để lo các chi phí ngoại giao. Vì cũng muốn rút nhanh vốn, nên ông Nghị tin tưởng chuyển tiếp 90 triệu đồng vào tài khoản của Hiệp vào ngày 26/5/2019.

Cũng thời điểm này, Công ty Rolex bị công ty khác ráo riết đòi nợ, nên Hiệp đã bỏ trụ sở Công ty Rolex và thành lập tiếp Công ty TNHH Đầu tư Tài chính HCT (Công ty HCT). Để kéo dài thời gian chiếm đoạt tiền của ông Nghị, Hiệp mời ông Nghị đến văn phòng của Công ty HCT và giới thiệu kể từ nay mọi phương án kinh doanh hợp tác đầu tư với Công ty Hữu Nghị Toàn Cầu sẽ do Công ty HCT đảm nhận.

Ông Nghị tin tưởng, ngày 25/8/2019 đã tiến hành ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ông Hiệp, đại diện Công ty HCT với nội dung: “Cùng nhau liên doanh hợp tác đầu tư vốn để thực hiện nhà máy sản xuất bao bì giấy carton Hữu Nghị, số tiền đầu tư dự kiến 50 triệu USD”. Sau khi ký hợp đồng, ngày 28/5/2019 Hiệp tiếp tục viện lý do thiếu chi phí để thực hiện việc giải ngân khoản tiền trên, yêu cầu ông Nghị ứng tiếp 5.000 USD (tương đương 117 triệu đồng). Tổng cộng, ông Nghị đã chuyển vào tài khoản của Hiệp gần 3,4 tỷ đồng.

Để che giấu hành vi lừa đảo của mình, Hiệp thỏa thuận với Đỗ Phú Phong ký giả chữ ký của ông Vũ Văn Sơn - Giám đốc công ty H.P tại giấy ủy quyền ghi ngày 1/7/2019 có nội dung: “Công ty H.P do ông Vũ Văn Sơn làm đại diện là chủ sở hữu hợp pháp tài khoản tại ngân hàng ở Mỹ trị giá 10 tỷ USD, ủy quyền cho Công ty HCT được quyền thay mặt ông Sơn tiếp nhận, tham gia và đăng ký đầu tư các dự án, được quyền ký kết các hợp đồng”.

Sau khi có giấy ủy quyền giả mạo, Hiệp đưa ông Nghị xem để làm tin, mục đích kéo thời gian, không thực hiện lời hứa và chiếm đoạt tiền của ông Nghị. Nghi ngờ các giấy tờ liên quan đến số tiền 10 tỷ USD là giả mạo, ông Nghị yêu cầu Hiệp trả lại toàn bộ số tiền mà ông đã chuyển. Sợ ông Nghị tố cáo, ngày 16/11/2019 Hiệp chuyển trả cho ông Nghị 50 triệu đồng và cam kết trả lại toàn bộ số tiền trước ngày 16/12/2019. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn, Hiệp vẫn không trả tiền nên ông Nghị đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra.

Không chỉ lừa đảo ông Nghị, cũng với thủ đoạn giả tạo thông tin đang sở hữu khoản tiền lớn có khả năng đầu tư tài chính, góp vốn để thực hiện các dự án, Hiệp, Phong, Cậm Em và một đối tượng khác cũng đã lừa một DN khác, chiếm đoạt gần 7,5 tỷ đồng. Khi cơ quan điều tra khám xét trụ sở của công ty HTC, còn  phát hiện có các hợp đồng do Hiệp cùng một số cá nhân (đại diện các công ty HCT, TFF, Rolex) ký với các công ty khác có số tiền trên hợp đồng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Hiệp cũng khai nhận: Các công ty HCT, TFF, Rolex đều do Hiệp thành lập không có chức năng đầu tư tài chính, chủ yếu sử dụng tư cách pháp nhân để thuận lợi cho việc tiếp xúc, ký hợp đồng và nhận tiền gọi là chi phí đầu tư của các đơn vị có nhu cầu về nguồn vốn lớn.

Cơ quan điều tra cũng đã xác định, trong “đường dây” này, ngoài Phong thì Cậm Em cũng đã có hành vi giúp sức cho Hiệp thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc đưa thông tin giả mạo mình là kế toán trưởng của Công ty TFF. Sử dụng tài khoản cá nhân để nhận hơn 6,5 tỷ đồng của một “đối tác” sau đó rút  đưa cho Hiệp và được Hiệp thưởng cho 300 triệu đồng.

kythuatchonghanggia.vn
 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày