“Nóng bỏng” mặt trận chống gian lận thương mại

 
Loading...
“Nóng bỏng” mặt trận chống gian lận thương mại
8/9/2016 12:00:00 AM
“Nóng bỏng” mặt trận chống gian lận thương mại
(Thanh tra) - Hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu tràn lan, rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nông thôn đến các khu đô thị, các khu chợ, siêu thị sầm uất cũng như trên các vỉa hè, lòng đường ở thành phố. Vấn nạn này đang gây nhiều hậu quả với nền sản xuất trong nước, khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”!

 

 

 

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, những năm qua việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi trình độ phát triển của công nghệ cao, hiện đại với tốc độ nhanh đã gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu.

Sản phẩm nào nếu làm giả có lợi nhuận cao lập tức sẽ có hàng giả ngay trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh và rẻ, thủ đoạn tinh vi hơn nhiều so với trước đây. 

Một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng rồi gắn nhãn mác Việt Nam và nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của các nước đem về Việt Nam tiêu thụ, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm này đều do nước ngoài cung cấp, nhưng lại ghi nhãn hiệu "Made in Việt Nam" hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Công tác chống hàng giả, hàng nhái là một mặt trận thực sự gian nan!?

Dưới góc độ một nhà sản xuất, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen bày tỏ bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng nhái đang “hoành hành” gây thiệt hại cho sản xuất như hiện nay. Ông dẫn chứng, “năm 2013, chúng tôi chiếm 39,31% thị phần tôn, nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, chúng tôi giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc chúng tôi bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng”.

Cuộc chiến cần sự tổng lực

Dưới góc độ cơ quan chức năng, ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng: Cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng: Hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc như: Xuất xứ, nhãn hiệu để đảm bảo kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi doanh nghiệp phải tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ông Trịnh Đình Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn mạ VnSteel Thăng Long chia sẻ kinh nghiệm đối phó với vấn nạn hàng giả trên đó là: Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tư vấn cho người tiêu dùng phân biệt Tôn Thăng Long chính hãng với các dòng sản phẩm giả. Thực hiện công tác bảo hành sản phẩm tạo tin tưởng cho người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống phân phối ổn định, vững bền và cùng phát triển. Thường xuyên cải tiến kỹ thuật công nghệ sản xuất để nâng cao và không ngừng ổn định chất lượng sản phẩm. Cải tiến mẫu mã, bao gói hàng hóa vừa đảm bảo bảo quản tốt hàng hóa và chống hàng giả…

Để giải quyết triệt để cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của Nhà nước với những biện pháp như: Triển khai hàng rào kỹ thuật nhằm không để hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường trong nước. Kiểm tra, kiểm soát trên thị trường để chấm dứt tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường và có chế tài mạnh, có tính răn đe cao đối với các trường hợp vi phạm.

 

Tại lễ kỷ niệm "Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái" (29/11) vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã nêu rõ: “Thủ đoạn sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là nhãn mác bao bì càng ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh đó, nếu chỉ dựa vào bốn lực lượng chức năng là: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an và Thanh tra Khoa học và Công nghệ không đủ. Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần phải là công việc của toàn xã hội, không chỉ của riêng một lực lượng hay doanh nghiệp nào”.

Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải dựa vào dân, vào pháp luật và hệ thống chính trị để phát huy tổng lực các lực lượng. Các lực lượng: Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Thuế, Cảnh sát biển, Hải quan cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, có sự trang bị tốt các công cụ để kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái. Cần đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục vào các “ổ” hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của hàng nội.

Quang Đông

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày