Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

 
Loading...
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
12/7/2016 12:00:00 AM
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6/2016.

 

Quy định chi tiết Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 

Nghị định quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phạm vi vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hành lang bảo vệ bờ biển; hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển; phân loại hải đảo; xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố.

 

Trong đó, Nghị định quy định rõ, hải đảo được chia thành 2 nhóm: 1- Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn; 2- Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên.

 

Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm có toàn bộ diện tích đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau: 1- Là vườn quốc gia hoặc khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia hoặc khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp quốc gia hoặc khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học; 2- Là di tích quốc gia hoặc di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; 3- Có điểm dùng để xác định đường cơ sở; 4- Được sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

 

Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm không thuộc tiêu chí trên.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh có biển lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại hải đảo.

 

Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc (EDCF).

 

Cụ thể, Dự án sẽ xây dựng 36,32 km đường giao thông trong 4 năm với tổng vốn đầu tư là 32, 92 triệu USD.

 

Mục tiêu của Dự án là hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Cảng biển Kỳ Hà, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương “Kết nối ASEAN”.

 

Đồng thời, phát triển kinh tế-xã hội khu vực Dự án thông qua như tiếp cận thị trường; phát triển phi nông nghiệp; phát triển công nghiệp trên cơ sở hợp lý hóa việc sử dụng đất và giảm chi phí đi lại.

 

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 1142/QĐ-TTg phê duyệt nội dung các các Hiệp định vay vốn từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) cho Dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa khu vực Tiểu Cần, Trà Vinh và Dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang.

 

Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định vay trên với phía Hàn Quốc.

 

Xuất cấp gạo cho tỉnh Kon Tum

 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 583,05 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Kon Tum để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt và hạn hán năm 2016.

 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

 

Chia sẻ hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene

 

Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gene và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene giai đoạn 2016-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Mục tiêu của Đề án đến năm 2025, 90% các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh có đủ năng lực thực hiện cấp phép, giám sát và kiểm soát các hoạt động tiếp cận nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Mạng lưới các tổ chức khoa học-công nghệ được xác định và tăng cường năng lực để hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện quản lý tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene

 

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng năng lực cho cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Cụ thể, tăng cường năng lực cho đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đầu mối thực hiện Nghị định thư Nagoya để tổ chức triển khai có hiệu quả và quản lý thống nhất về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương trong quá trình thực thi pháp luật, bao gồm các lực lượng: hải quan, biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường và các cơ quan khác có liên quan để kiểm soát các hoạt động vận chuyển, thu mua, khai thác trái phép, không bền vững đối với nguồn gene trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Xây dựng các cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng bản địa trong công tác bảo tồn, lưu giữ, sử dụng nguồn gene và tri thức truyền thống về nguồn gene; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương.

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin

 

Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Cụ thể, điều tra, thu thập và lập danh mục, sơ đồ phân bố, chỉ dẫn địa lý của nguồn gene và tri thức truyền thống về nguồn gene; xây dựng và thực hiện cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin về nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen giữa các bộ, ngành liên quan và địa phương.

 

Xây dựng, củng cố và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene; thiết lập, vận hành Cổng thông tin điện tử về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene của Việt Nam; kết nối với Cổng thông tin quốc tế của Nghị định thư Nagoya.

 

Tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ ưu tiên triển khai của Đề án: 1- Rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định pháp luật về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene; 2- Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene; 3- Xây dựng và thực hiện mô hình về tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gene của cây trồng, vật nuôi; 4- Điều tra, đánh giá và lập danh mục tri thức truyền thống về nguồn gene tại Việt Nam; 5- Xây dựng và thực hiện thăm dò sinh học, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y dược; 6- Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene.

 

Nghệ An thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua camera

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý về nguyên tắc đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông theo hình thức xã hội hóa.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Công an để làm rõ việc lực lượng chức năng sử dụng thiết bị của nhà đầu tư để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính hay nhà đầu tư sử dụng thiết bị của mình để kiểm tra, phát hiện và cung cấp dữ liệu cho lực lượng chức năng làm căn cứ xử lý vi phạm.

 

Đồng thời thống nhất với Bộ Tài chính về việc cơ quan chức năng thuê thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

 

Kiểm tra phản ánh việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không SkyViet

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không SkyViet của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, làm rõ phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến việc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chuyển Công ty bay dịch vụ Hàng không thành công ty cổ phần và góp vốn để thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016.

 

Hoàn thiện danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan

 

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tập trung rà soát làm rõ hiệu lực pháp lý của các quy định về vấn đề này tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác; thực tế triển khai; đồng thời giải trình rõ sự cần thiết và mức độ cần thiết của việc ban hành Quyết định này; đánh giá tác động của việc ban hành Quyết định này trên các mặt quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính, thu thuế…

 

Bộ Tài chính xây dựng Quyết định bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, giao thương mua bán hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý về kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế…

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh Tờ trình và dự thảo Quyết định theo hướng rà soát các mặt hàng nhạy cảm, có yêu cầu quản lý chuyên ngành cao đòi hỏi phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (như phân bón, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ, những mặt hàng đòi hỏi quản lý chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…); trên cơ sở đó cân nhắc đưa vào dự thảo Quyết định cho phù hợp.

 

Đảm bảo nguyên tắc tăng cường kiểm soát đối với các hàng hóa có rủi ro cao trong quản lý (như về quản lý thuế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…); quy định cụ thể Danh mục trong Quyết định này.

 

Đề xuất quy định phù hợp, khả thi đối với trường hợp những lô hàng nhập khẩu có chung vận đơn, phương tiện vận tải nhưng có nhiều loại hàng hóa khác nhau (vừa có hàng hóa thuộc diện làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, vừa có hàng hóa không thuộc diện phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập).

 

Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tiếp thu và hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Tỉnh Tuyên Quang thực hiện 3 đột phá

 

Mặc dù là tỉnh vùng cao, khó khăn, với nhiều dân tộc thiểu số, điểm xuất phát thấp nhưng tỉnh Tuyên Quang vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt trên 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng khá...

 

Tuy nhiên, tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế, quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Ngành nông, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân của cả nước (9,31%)...

 

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát huy hết tiềm năng lợi thế của tỉnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; tập trung hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp; cổ phần hóa các doanh nghiệp theo phương án đề ra; củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

 

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

 

Đồng thời, tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên khoáng sản; phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại nhanh và bền vững, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.

 

Tiếp tục thực hiện Chương trình nông thôn mới theo hướng kiên trì, lâu dài với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, có lộ trình, bước đi phù hợp, thực chất không vì thành tích; lồng ghép, thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo; có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân giảm nghèo bền vững; ổn định dân cư.

 

Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.../.

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày