Tàu cát ngang nhiên “ăn hàng” trong thời điểm xả lũ
Tại địa bàn xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, qua khảo sát, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại nhận thấy: Tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trên sông Cầu trong mùa mưa lũ vẫn diễn ra một cách công khai, bất chấp các quy định của pháp luật.
Ở khu vực thôn Thành Long, vào hồi 18 giờ ngày 27/6, chúng tôi đã ghi nhận hình ảnh 4 chiếc tàu đang sục vòi hút cát từ lòng sông Cầu. Tại thời điểm này, nước sông Cầu đang dâng cao do thủy điện Hòa Bình xả lũ. Cơ quan Khí tượng thủy văn cũng có thông báo về việc áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông.
|
Tàu cát ngang nhiên “ăn hàng” trong thời điểm xả lũ ở đoạn sông Cầu chảy qua thôn Thành Long, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bác Giang
|
Theo phản ánh của người dân địa phương, khu vực tàu đang hút cát là của Công ty Trường Sơn, họ khai thác lớp đất bề mặt để làm gạch, sau đó mới tới phần cát phía dưới, nhiều chỗ ở lòng sông giờ thành thùng vũng lớn, rất nguy hiểm.
Liên quan đến việc khai thác cát dưới lòng sông trong mùa mưa lũ, chúng tôi đã liên hệ được với bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Qua điện thoại, bà Nga khẳng định: “Dù đã có công văn yêu cầu dừng khai thác cát, sỏi lòng sông từ ngày 15/6, tuy nhiên hiện tượng khai thác cát trên sông Cầu qua địa phận xã thi thoảng vẫn diễn ra. Do lực lượng mỏng và thiếu phương tiện nên khi công dân phản ánh, xã cử người xuống hiện trường thì họ đã di chuyển tàu đi”. Bà Nga cũng cho biết “đã báo cáo vụ việc với phía UBND huyện Yên Dũng”.
|
UBND xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
|
Tuy nhiên, trao đổi với phía Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Yên Dũng, ông Hoàng Hữu Lân (Phó trưởng phòng) lại khẳng định: “Phía UBND huyện và Phòng TN&MT huyện chưa nhận được báo cáo nào từ phía xã về vụ việc trên”.
Sau khi xem các hình ảnh và video do phóng viên cung cấp về việc khai thác cát trái phép trên sông trong mùa mưa lũ vào ngày 27/6/2022, ông Lân cho biết: “Phía phòng sẽ cho kiểm tra lại vụ việc và mời doanh nghiệp lên làm việc, đồng thời sẽ cung cấp thông tin cho báo chí sau khi có kết quả làm việc”.
Được biết, ngày 14/6/2022, phía Công ty cổ phần gạch Trường Sơn có thông báo tạm dừng thi công khai thác mỏ khoáng sản tại khu vực thôn Thịnh Long và thôn Long Xá (nay là thôn Thành Long) từ ngày 15/6/2022 đến ngày 31/10/2022, theo công văn số 1630/TNMT-TNKS về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông trên địa bàn tỉnh.
Việc dừng hoạt động thi công khai thác cát sỏi trên các sông thuộc Bắc Bộ, từ ngày 15/6 đến ngày 15/10 được quy định tại điểm a, Khoản 32, Điều 4, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
Ngang nhiên xâm hại an toàn hành lang đê điều
Việc khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Yên Lư không chỉ dưới lòng sông Cầu, mà còn diễn ra ngay tại khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản của xã từ nhiều năm nay. Như bà Nga cho biết: “Chúng tôi có nắm được sự việc và đã báo cáo với UBND huyện. UBND huyện có phối hợp với anh em lực lượng công an huyên thì mới xử lý được những nội dung PV nêu”.
Theo người dân sống tại đây, nhiều khu vực “bờ xôi, ruộng mật” tại thôn Yên Tập Bắc, được các hộ gia đình ông Tám, ông Học, ông Minh đấu thầu, mua gom để phát triển việc nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, các hộ nêu trên không hề nuôi trồng thủy sản, mà ngang nhiên đào bới để lấy đất sét cung cấp cho làng gốm Phù Lãng. Sự việc diễn ra nhiều năm qua, nhưng chính quyền xã Yên Lư cũng như chính quyền huyện Yên Dũng cứ như “không hề hay biết”. Trong khi đó, nếu người dân ở đây lấy đi vài ba m3 đất để đôn mặt vườn là bị phát hiện và xử lý hành chính (?).
Chúng tôi đến tìm hiểu tại thôn Yên Tập Bắc và ghi nhận thấy những khối đất có màu trắng ngà. Người dân địa phương cho biết, đó là đất sét, được che phủ bằng bạt, tập kết thành nhiều điểm trên cánh đồng, bên mép bờ sông Cầu và sát chân đê (nơi nhiều người qua lại) tạo thành những khối đất khổng lồ, đang xâm hại trực tiếp đến an toàn hành lang đê điều, hành lang sông, gây nguy hại trực tiếp đến an ninh trong lĩnh vực phòng, chống lũ lụt mùa mưa bão.
|
“Đất tặc” ngang nhiên tập chung chất tải lên mặt đê và sát bờ sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hành lang đê điều, thoát lũ
|
Có mặt tại điểm tập kết đất nêu trên, ông Hoàng Hữu Lân cùng bà Ong Thị Thúy, cán bộ phòng TN&MT huyện cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các cơ quan để tổ chức kiểm tra và làm việc cụ thể về việc khai thác này”. Ông Lân nói thêm: “Đối với quản lý khoáng sản, phòng đang phối hợp với phía công an, tuy nhiên do không bắt được phạm tội quả tang nên không thể thu giữ máy móc cùng tang vật. Hiện tại, họ đang tập kết, chất tải lên đê, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều. Bởi vậy, đây là trách nhiệm của phòng nông nghiệp, tuy nhiên phòng tài nguyên cũng sẽ phối hợp xem xét, xử lý việc chất tải trên hành lang đê…”.
Trước câu hỏi của PV: “Phía UBND xã, UBND huyện có nắm được việc những hộ gia đình nào đang khai thác khoáng sản trên cánh đồng nuôi trồng thủy sản tại thôn Yên Tập Bắc?”, ông Lân trả lời: “Phía xã và huyện không biết những đối tượng này là ai. Phòng đang yêu cầu xã rà soát các đối tượng mua, bán nguồn tài nguyên, khoáng sản bất hợp pháp diễn ra trên địa bàn xã”.
Thực tế, từ những bãi đất tập kết của các đối tượng khai thác trên địa bàn thôn Yên Tập Bắc đến UBND xã Yên Lư và UBND huyên Yên Dũng chỉ khoảng vài km, nhưng không hiểu vì lý do gì, các đối tượng “đất tặc” lại có thể khai thác trong thời gian dài mà chỉ người dân nhìn thấy, còn cán bộ nơi đây không hề hay biết?
|
Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng phòng TN&MT và bà Ong Thị Thuý
|
Quá trình trao đổi với PV, bà Ong Thị Thúy chia sẻ: “Huyện có lập tổ công tác đi kiểm tra, tuy nhiên các đối tượng dường như có “chim lợn” nên đoàn kiểm tra đến nơi thì họ đã dừng mọi hoạt động”.
Để có kho bãi tập kết tài nguyên đất lên đến nhiều nghìn mét khối như nêu trên, là cả quá trình khai thác, bồi cữu thường xuyên, liên tục trong thời gian rất dài. Phải chăng phía UBND xã Yên Lư, cũng như UBND huyện Yên Dũng đang buông lỏng việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn?
Câu hỏi trên, chúng tôi xin gửi tới UBND tỉnh Bắc Giang. Rất mong các cơ quan chức năng của địa phương sớm vào cuộc, xử lý các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép tại đây.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc này.
Tại Điểm a, Khoản 54, Điều 1 luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 (sửa đổi điều 227 Bộ luật Hình sự 2015) quy định tội vi phạm quy định về nghiên cứu, khai thác, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:
- Người vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép thuộc một trong những các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng;
+ Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng…
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Xuân Kiên
https://kythuatchonghanggia.vn/gian-lan-thuong-mai/an-ninh-vat-lieu-xay-dung/bac-giang-ngang-nhien-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-trai-phep-11300