THCL BCĐ 389/QG đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường kiểm soát, mở đợt đấu tranh cao điểm chống buôn lậu và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2017.
Xử lý hàng vi phạm
Diễn biến khó lường
Dịp sát Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Để đấu tranh, triệt phá với loại tội phạm này, BCĐ 389/QG đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng và các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, mở đợt đấu tranh cao điểm, quyết liệt với nhiều giải pháp trên diện rộng nhằm góp phần làm sạch thị trường dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), dịp sát Tết Nguyên đán, mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, vàng các loại. Các đối tượng buôn lậu thường dùng thủ đoạn vận chuyển truyền thống là xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhẹ từ biên giới vào sâu nội địa, đan xen hàng hóa có xuất hóa đơn từ các chợ Móng Cái, khu kinh tế mở Quảng Ninh, chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Sát Tết cũng là dịp để các đối tượng nhập lậu và vận chuyển trái phép gà, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc từ biên giới vào nội địa.
Tại các tuyến biên giới biển tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung và biên giới Tây Nam. Hàng xuất lậu chủ yếu gồm than, quặng các loại, xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm.
Hàng nhập lậu là pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, quặng titan, quặng sắt với hình thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, khó lường, các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm nhập, xuất hàng, khiến cho công tác nắm bắt, triệt phá gặp nhiều khó khăn.
Tại các tuyến biên giới Tây Nam, buôn lậu thuốc lá cũng diễn ra nóng bỏng, hàng ngày, nhưng do địa hình kênh rạch chằng chịt, các đối tượng thường thực hiện vào nửa đêm, nên đã gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát.
Kế hoạch hành động
Theo kế hoạch các cơ quan, đơn vị chức năng, các cấp tập trung công tác nắm tình hình tại các tuyến, địa bàn và lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, hàng gian, hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại, bởi đây là thời điểm hoạt động thương mại phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán đang tăng cao; trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, động vật hoang dã, ma tuý.
BCĐ 389/QG cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết như hàng may mặc, thực phẩm, bia, rượu, bánh kẹo…
Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ thuế, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.
Lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng tập trung phối hợp kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng gian lận thương mại tại địa bàn cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kênh, sông khu vực biên giới.
Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển.
Lực lượng cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng và các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thượng mại trên các vùng biển, địa bàn trọng điểm là vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam.
Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi, chủ động tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả, công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm để phòng ngừa chung và tạo sự đồng thuận trong xã hội…
Nguyễn Kiên