Giải pháp xử lý tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

 
Loading...
Giải pháp xử lý tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
22/9/2022 02:47:32 PM
Giải pháp xử lý tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

(CHG) Tại buổi Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số: Phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong giao dịch thương mại điện tử” do Viện Kỹ thuật chống hàng giả tổ chức, TS. Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có bài tham luận nêu ra nhiều giải pháp xung quanh vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng

Thương mại điện tử đang là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ toàn cầu và một quốc gia trẻ như Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước, đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, việc kinh doanh thương mại không chỉ dừng lại trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo, mà còn mở rộng sang các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Trong đó, khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm yêu thích, Lazada đứng thứ hai (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%). Hơn 70% người dùng trẻ tuổi (17-25 tuổi) cũng coi Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử tốt nhất.

TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số: Phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong giao dịch thương mại điện tử”

Với số lượng người dùng khổng lồ và khó kiểm soát, đã và đang tạo ra nhiều kẽ hở cho hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng. Quyền sở hữu trí tuệ được coi là một công cụ đắc lực phát triển hoạt động thương mại trên nền tảng kinh tế kỹ thuật số.

Việc sử dụng hợp lý các quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử mang lại lợi thế vượt trội cho các doanh nghiệp như gia tăng lượng bán, mở rộng và duy trì thị phần và dễ dàng đưa hàng hóa/dịch vụ mới ra thị trường, qua đó giúp họ tăng trưởng doanh thu và khả năng sinh lời; tăng cường sự trung thành của khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đồng thời, là công cụ pháp lý để phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chuyển đổi số càng thúc đẩy gần như mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên internet nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử. Điều này làm các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử gia tăng. Để giảm các tranh chấp này, doanh nghiệp cần nhận diện rõ các dạng tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp, qua đó thực hiện các biện pháp bảo vệ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Việc nhận diện và đưa ra giải pháp liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử của nhóm chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử  với tư cách người bán và hoạt động thương mại dựa trên dịch vụ trung gian trên internet (mạng xã hội và sàn thương mại điện tử).

Với tư cách người bán, một tổ chức, cá nhân thường chỉ có hai lựa chọn: (i) tự mình tạo lập sự hiện diện thương mại trên mạng viễn thông (thường là qua website trên mạng internet), giới thiệu hàng hóa/dịch vụ mà mình muốn cung cấp cũng như xúc tiến các giao dịch thương mại điện tử liên quan. Hoặc (ii) thiết lập sự hiện diện thương mại trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử do tổ chức, cá nhân khác tạo lập và kinh doanh - nơi có sự hiện diện của nhiều người bán.

Nhận diện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Phạm vi áp dụng của quyền sở hữu trí tuệ nói chung bao trùm các hoạt động kinh doanh thông thường và bao gồm cả hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử. Một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ thường gặp và hay bị tranh chấp trong thương mại điện tử gồm:

- Sáng chế: Thường là các sáng chế được tạo nên bởi tổ hợp các phần mềm kết hợp với thiết bị vật lý (thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối, mạng máy tính, mạng Internet, mạng viễn thông, và thiết bị tích hợp khác) để thực hiện chức năng thương mại điện tử đặc thù nhằm mục đích bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của chính doanh nghiệp đó.

- Nhãn hiệu: Là đối tượng phổ biến nhất của quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Nhãn hiệu giúp phân biệt hàng hóa cùng loại của nhà sản xuất này với nhà sản xuất khác, qua đó giúp người tiêu dùng quyết định lựa chọn của họ đối với hàng hóa/dịch vụ trên thị trường.

Nhãn hiệu cung cấp thông tin về hàng hóa/dịch vụ và nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ; Cung cấp thông tin gián tiếp về chất lượng hàng hóa/dịch vụ; thúc đẩy marketing hàng hóa/dịch vụ; lôi cuốn hay cuốn hút người tiêu dùng. Do đó, một nhãn hiệu mạnh giúp gia tăng lượng bán, mở rộng và duy trì thị phần và dễ dàng đưa hàng hóa/dịch vụ mới ra thị trường, qua đó giúp chủ nhãn hiệu tăng trưởng doanh thu và khả năng sinh lời.

Nhãn hiệu mạnh làm dịch chuyển đường cầu theo hai cách: (i) Cho phép doanh nghiệp bán với giá cao hơn giá hàng hóa/dịch vụ cùng loại tại đó giao dịch được tiến hành hoặc (ii) làm tăng sản lượng giao dịch hàng hóa/dịch vụ đó. Chính vì điều này mà nhãn hiệu là đối tượng bị giả mạo, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là lớn nhất.

Ngoài ra, nhãn hiệu cũng là đối tượng thường bị bên thứ ba sử dụng làm tên miền để chiếm đoạt tên miền hoặc nhằm tạo lập một trang web với mục đích bán các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hành hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.

Các giải pháp được TS. Khổng Quốc Minh chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận tại tọa đàm khoa học 

- Kiểu dáng công nghiệp trong thương mại điện tử thường gặp là bao bì chứa đựng sản phẩm, các đặc điểm tạo dáng mang tính sáng tạo của sản phẩm. Các kiểu dáng này, nhất là bao bì chứa đựng sản phẩm và bao bì thường đẹp, có tính thẩm mỹ (các yếu tố về màu sắc, bộ cục, đường nét và sự hài hòa; thân thiện, không quá màu mè, không rối mắt...) có tính năng thu hút người dùng, qua đó giúp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp tăng trưởng doanh thu và khả năng sinh lời.

- Quyền tác giả thường gặp trong thương mại điện tử là giao diện trang web, kết cấu trang web, nội dung trang web và cả những gì truyền đi trên trang web; giao diện các ứng dụng trực tuyến.

Các giao diện này thường được thiết kế hướng tới tiện ích cho người dùng, tạo sự thu hút, thân thiện cho người dùng. Nội dung của các trang web cũng thường được soạn và trình bày hướng tới cung cấp thông tin đầy đủ, hữu ích nhưng đơn giản cho người dùng.

Trong thương mại điện tử, các giao diện và nội dung trên trang web, giao diện các ứng dụng trực tuyến cũng là đối tượng hay bị sao chép nhất.

Những giải pháp ngăn ngừa tranh chấp sở hữu trí tuệ

Để giảm tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và phòng chống nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia thương mại điện tử cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng trong thương mại điện tử.

- Cần đăng ký bảo hộ các sáng chế thực hiện chức năng thương mại điện tử đặc thù nhằm mục đích bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Cần sử dụng quyền tạm thời đối với sáng chế khi phát hiện người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký.

- Đối với nhãn hiệu, nên sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ trong hoạt động thương mại điện tử. Nếu dấu hiệu đang sử dụng chưa được bảo hộ, cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho các hàng hóa, dịch vụ đang kinh doanh tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nên tiến hành đăng ký tên miền. Bởi lẽ, việc đăng ký tên miền đã không còn bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chỉ khi bên thứ ba có hành vi chiếm đoạt tên miền đó thì việc xử lý hành vi xâm phạm tên miền mới được thực hiện và trở lên khá khó khăn.

- Đối với kiểu dáng công nghiệp: nếu chưa được bảo hộ, cần lưu ý không được bộc lộ kiểu dáng công nghiệp trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hay trên chính trang web của họ. Việc bảo hộ này sẽ làm mất tính mới của chính kiểu dáng công nghiệp đó.

Đồng thời, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cần sử dụng quyền tạm thời đối với kiểu dáng công nghiệp, khi phát hiện người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký.

Đối với giao diện trang web, kết cấu trang web, nội dung trang web và cả những gì truyền đi trên trang web, giao diện các ứng dụng trực tuyến: cần tiến hành đăng ký quyền tác giả cho các giao diện và nội dung của nó tại Cục Bản quyền tác giả.

Khi phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đầu tiên chủ sở hữu nên tiến hành lập vi bằng ghi nhận việc hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc trên chính trang web của người vi phạm, đồng thời viết thư khuyến cáo yêu cầu ngừng việc bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gửi chúng tới sàn Thương mại điện tử, tới chính trang web hoặc tới công ty của người vi phạm.

Nếu hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể thực thi quyền của mình thông qua các biện pháp hành chính, dân sự, hoặc hình sự.

TS. Khổng Quốc Minh (Cục Sở hữu trí tuệ)

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày