Hà Nội: La liệt hàng giả trên phố không 'hàng giả, hàng nhái'

 
Loading...
Hà Nội: La liệt hàng giả trên phố không 'hàng giả, hàng nhái'
23/5/2018 12:00:00 PM
Hà Nội: La liệt hàng giả trên phố không

THCL - Hơn 4 năm kể từ khi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội xây dựng 4 tuyến phố không “hàng giả, hàng nhái”: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông (tháng 4/2012), đến nay, không khó để người mua có thể tìm được các sản phẩm nhái “hàng hiệu” như quần áo, giầy dép, dây lưng, ví da... của các hãng thời trang nổi tiếng như: CK, D&G, Nike, Adidas, Versace… với giá “siêu rẻ”.

 

Hàng giả, hàng nhái... bày bán công khai

 

Hà Nội bước sang mùa hè – đây cũng là thời điểm nhiều mặt hàng thời trang quần áo vào vụ với nhiều sản phẩm và mẫu mã đặc sắc. Đặc biệt, trên các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông - nơi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xây dựng tuyến phố nói không với “hàng giả, hàng nhái”. Thật không khó để người mua có thể tìm được cho mình bộ quần áo “hàng hiệu” của Adidas, Nike, Gucci… với giá dao động từ 250.000 đồng đến hơn 500.000 đồng. Thậm chí, những chiếc áo phông mang nhãn hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng cũng chỉ có giá bán sỉ là 15.000 đồng/1 chiếc.

 

 

Có những chiếc áo phông nhãn hiệu Adidas chỉ với giá vài trăm ngàn đồng

 

Các cửa hàng quần áo trên những tuyến phố này đều được bày bán một cách công khai, giá cả mỗi cửa hàng một khác. Hầu hết các sản phẩm này đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc được vận chuyển từ Quảng Đông (Trung Quốc) về.

 

 

Rất nhiều sản phẩm hàng hóa như quần áo, giầy dép, túi sách, ví da... không rõ nguồn gốc trên các tuyến phố này

 

Trong vai người đi mua sắm, chúng tôi ghé vào một quán chuyên bán quần áo Aiddas, Nike trên phố Hàng Ngang – Hàng Đào (cụ thể các cửa hàng như: 73 Hàng Đường, 61 Hàng Ngang, 13 - 17 Hàng Đào...) , nhân viên bán hàng tại đây mời chào: “Hàng nhà em rất nhiều mẫu mã khác nhau, tùy từng loại mà có giá dao động từ 200.000 – 550.000 đồng/1 bộ quần áo của tất cả các hãng”. Các sản phẩm này đều được đóng tem, mác đầy đủ nhưng cầm vào thì có thể cảm nhận được chất lượng khác hẳn so với các sản phẩm chính hãng...

 

 

Bộ quần áo "hàng hiệu" với giá 200 ngàn đồng

 

Không chỉ có vậy, thị trường dây lưng, ví da, túi xách cũng hết sức sôi động. Các sản phẩm “hàng hiệu” của CK, D&G, LV… này đều được làm nhái một cách tràn lan và có giá dao động từ 75.000 đến hơn 400.000 đồng/1 dây lưng. Ví da hay túi xách cũng đều phong phú về mẫu mã...

 

Chủ cửa hàng dây lưng, ví da trên con phố Hàng Đào cho biết: “Có nhiều loại sản phẩm, từ giá rẻ đến đắt, cháu muốn mua loại nào cũng có, hàng được lấy từ Quảng Đông nên giá cả phải chăng mà mẫu mã lại đẹp, dễ bán.”

 

Mặt khác, còn rất nhiều sản phẩm thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên 4 tuyến phố nói không với “hàng giả, hàng nhái” này.

 

 

Một cửa hàng bán rất nhiều mặt hàng "nhái" các nhãn hiệu nổi tiếng trên phố Hàng Đường

 

Cơ quan chức năng đang ở đâu?

 

Hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nó đã và đang bùng phát mạnh mẽ, khiến quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thất thu, thậm chí phá sản...

 

Hàng năm, lực lượng Quản lý thị trường cũng tiêu hủy hàng tấn sản phẩm thời trang, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Nhưng, con số đó chưa là gì so với số lượng hàng nhái, hàng giả đang được bán công khai trên thị trường.

 

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội dù đã cho các hộ kinh doanh ký cam kết “không bán hàng giả, hàng nhái” nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều cửa hàng buôn bán hàng nhái một cách công khai.

 

Mục đích của việc xây dựng 4 tuyến phố nói không với “hàng giả, hàng nhái” là nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức của người kinh doanh và người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả. Nhưng cơ quan chức năng đã và đang ở đâu? khi tình trạng này vẫn công khai diễn ra nhiều năm nay?

 

Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông là những tuyến phố chuyên kinh doanh hàng thời trang, túi xách sôi động nhất của Hà Nội, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc tồn tại các cửa hàng buôn bán “hàng giả, hàng nhái” như trên sẽ khiến cho người mua, du khách quốc tế nhận định không tốt về hình ảnh Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...

 

Trước thực trạng trên thì công tác quản lý của cơ quan chức năng thế nào? Vì sao hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn công khai diễn ra trên các tuyến phố "không hàng giả" này? Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ trả lời ra sao...?

 

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

 

Theo Thương hiệu & Công luận: Huyên Quang – Quốc Trường

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • banner phải 2
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày