Hàng xách tay - Chiêu trò mới của hàng lậu (Ảnh minh họa)
Liên tiếp bắt hàng lậu
Theo BCĐ 389/Hà Nội, trong năm qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm...
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn diễn ra. Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài và từ Trung Quốc vào trong nước tiêu thụ.
Trong đó, kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, đồ gia dụng, đồ điện tử cấm nhập trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã xử lý 45 vụ, với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 887,6 triệu đồng.
Đối với mặt hàng ô tô, xe máy, xe đạp điện và linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp điện, lực lượng liên ngành cũng xử lý vi phạm hành chính lên tới 784,7 triệu đồng.
Cục Hải quan Hà Nội xử lý 886 vụ liên quan đến hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, với số tiền phạt hành chính lên tới 15,104 tỷ đồng.
Đặc biệt, vừa qua, nhiều thông tin phản ánh tình trạng kinh doanh “hàng xách tay” tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên là trái pháp luật, buôn bán hàng lậu. Về vấn đề này, ông Đỗ Huy Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho hay, qua đối thoại trực tiếp với 28 hộ kinh doanh “hàng xách tay” trên phố Nguyễn Sơn, các hộ khẳng định hàng hóa đều có chất lượng tốt và thiết tha được tiếp tục kinh doanh.
“Đa số hàng xách tay có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay. Tuy nhiên, nếu hàng xách tay là hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bị cấm thì vẫn bị xử phạt”, ông Chiến cho biết
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường.
Minh chứng cho ý kiến của mình, ông Phú dẫn chứng, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa… Sở dĩ, hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng.
Cần có quy định rõ ràng
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng theo cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, đòi hỏi có sự đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng thường đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng rất nhiều hóa đơn, hóa đơn quay vòng, hóa đơn ghi giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh, xử lý.
Các đối tượng lại thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ...
Mặt khác, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể nào về thời hạn, quy trình, quy định việc tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng ở nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội cho rằng, một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.
Dẫn chứng điều 153 Bộ luật Hình sự quy định: Tội buôn lậu có hành vi “buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, nhưng thực tế để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó cho nên nhiều vụ buôn lậu lớn nhưng không thể khởi tố, truy tố được mà chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Ngoài ra, do hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật không xem xét xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất và pháo nổ vì thế gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.
Từ thực tế trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, BCĐ 389/Hà Nội kiến nghị: Trong thời gian tới, Chính phủ rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu phối hợp với TP. Hà Nội, từ đó ngăn chặn vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu.
Nguồn: Thương hiệu & Công luận - Phan Chinh - Ngọc Linh