Xử phạt hơn 12 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại

 
Loading...
Xử phạt hơn 12 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại
25/7/2017 12:00:00 PM
Xử phạt hơn 12 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, chỉ riêng 6 đơn vị của TP. Hà Nội (Công an Thành phố, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Cục Thuế) đã xử lý trên 12 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử phạt mức tiền gần trên 396 tỷ đồng.

Buôn lậu, hàng giả diễn ra đa dạng

Theo BCĐ 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của TP. Hà Nội, trong đầu năm 2017, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, an toàn thực phẩm và các vi phạm khác vẫn còn diễn ra, đa dạng về thủ đoạn và phương thức hoạt động.

Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong nội thành Hà Nội. Các đối tượng buôn lậu thường tập trung hàng hóa tại các điểm thuộc tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... hoặc tại một số địa bàn, tụ điểm của khu vực ngoại thành Hà Nội rồi chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt nhằm trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Hoạt động buôn lậu thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như: Thuốc lá, rượu, hoa quả, nông sản, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại, gia cầm...

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau. Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, sự thiếu hiểu biết và chưa được cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả nên các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài (chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc) có nhu cầu tiêu thụ cao và cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Đối với tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, một số đối tượng đã mua lại một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xóa, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra thị trường tiêu thụ và ở các vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội. Một số đối tượng khác thường vận chuyển lén lút các mặt hàng ế thừa, cận hạn và hết hạn sử dụng có giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ như bánh kẹo, củ quả, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm...

Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không bảo đảm; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389/TP đã đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 đã thanh tra, kiểm tra trên 19 nghìn vụ, xử lý trên 12 nghìn vụ (tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm 2016); đã khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can.

Phối hợp đồng bộ lực lượng chức năng để chống buôn lậu, hàng giả

Theo BCĐ 389, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp do hoạt động sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước về giá cả, mẫu mã; các đối tượng hoạt động trên các lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch của các đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn; một số đối tượng rất manh động, khi bị bắt giữ thường có hành vi chống đối hoặc chống trả quyết liệt gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng chức năng.

Các đối tượng thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân công quản lý địa bàn, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế, dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình... nhằm trốn tránh việc phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Trong những tháng còn lại của năm 2017, BCĐ 389 xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục. Tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường, hàng hóa - giá cả, nắm chắc cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu; điều tra cơ bản lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.

Các mặt hàng trọng điểm sẽ được tăng cường thanh tra, kiểm tra như: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp; rượu ngoại; thuốc lá; điện tử, điện lạnh; xăng dầu, khí hóa lỏng... những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Trung thu, Dương lịch và Tết Nguyên đán. Trong những tháng cuối năm các lực lượng chức năng sẽ chú trọng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, gia súc, gia cầm; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP chủ động cung cấp thông tin, chủ động đề xuất kiểm tra theo lĩnh vực, ngành mình quản lý và là cơ quan chủ trì, có sự tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng khác.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Gia Huy/ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • banner phải 2
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày