Khó khăn trong xử lý thuốc lá ngoại, xì gà nhập lậu

 
Loading...
Khó khăn trong xử lý thuốc lá ngoại, xì gà nhập lậu
15/5/2018 12:00:00 PM
Khó khăn trong xử lý thuốc lá ngoại, xì gà nhập lậu

THCL - Mặc dù, đã ban hành các kế hoạch kiểm tra đối với mặt hàng trọng điểm là thuốc lá ngoại, xì gà nhập lậu, tuy nhiên, thực tế các văn bản quy phạm pháp luật hiện không xem xét xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất đã khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.

 

Lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ xì gà lậu với số lượng lớn ( Ảnh: minh họa)

 

Theo ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hà Nội, năm 2018, Ban Chỉ đạo 389/TP đã xây dựng Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP ngày 02/02/2018 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó xác định thuốc lá, xì gà nhập lậu là mặt hàng trọng điểm.

 

Xác định đây là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Ban Chỉ đạo 389/TP đã xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra liên ngành số 12/KH-BCĐ 389/TP ngày 28/3/2018 về kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá...; trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá, xì gà, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có kinh doanh thuốc lá như nhà hàng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống-giải khát, quán bar, vũ trường…

 

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu; Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng phổ biến giáo dục quy định của pháp luật đối với các hành vi liên quan về kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu đến các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, tác hại ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe từ việc sử dụng, tiêu dùng thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu, thuốc lá giả, không rõ nguồn gốc.

 

Từ ngày 01/10/2014 đến 01/10/2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã phát hiện, bắt giữ 704 vụ, xử lý 595 vụ, khởi tố 46 vụ với 43 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 3.926.760.000 đồng, tịch thu tiêu hủy 397.667 bao thuốc lá điếu; 55.845 điếu xì gà các loại. Từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP đã phát hiện, bắt giữ 72 vụ, xử lý 68 vụ, khởi tố 02 vụ với 02 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 481.850.000 đồng, tịch thu tiêu hủy 16.497 bao thuốc lá điếu và 27.575 điếu xì gà các loại.

 

Tuy nhiên, theo BCĐ 389 TP. Hà Nội, các văn bản quy phạm pháp luật hiện không xem xét xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất và pháo nổ gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.

 

Theo Nghị định số số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

 

Tuy nhiên, theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 quy định: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc phạt tù đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên. Trong quá trình kiểm tra, áp dụng quy định xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá mà không có giấy phép theo quy định còn tồn tại vướng mắc như sau:

 

Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định: “Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định.”

 

Tại văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công Thương hợp nhất Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, sản phẩm thuốc lá (gồm thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác), rượu các loại thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

 

Tại Điều 7 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 được sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh được áp dụng là giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

 

Theo Thương hiệu & Công luận: H.M

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày