Ảnh: baomoi.com
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2016, Bộ Y tế đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm với tổng số tiền hơn 21.750 triệu đồng.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Bộ Y tế đã thanh tra, kiểm tra 137 cơ sở, phát hiện 111 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2015), truy thu hơn 9,21 tỉ đồng (tăng 57% so với năm 2015). Trong lĩnh vực thực phẩm, phát hiện 133 vụ, truy thu hơn 12,54 tỉ đồng (tăng 17,2% so với năm 2015).
Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (C49), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Công an huyện Gia Lâm và Chi cục Quản lý thị trường huyện Gia Lâm kiểm tra xe ô tô đang chở dược liệu và kho hàng của hộ kinh doanh dược liệu. Kết quả, phát hiện có 374 loại dược liệu với tổng trọng lượng 45,9 tấn chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh… điều tra, xác minh một số doanh nghiệp kinh doanh về trang thiết bị y tế...
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, năm 2016, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng, vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y dược, thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đến sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cơ sở được thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều tồn tại, như việc sản xuất thuốc chưa phù hợp với hồ sơ đăng ký được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép lưu hành, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; kinh doanh thuốc, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, bao bì đóng gói thuốc không đúng với quy cách đã được duyệt.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng này là do số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực phẩm lớn, nhiều cơ sở nằm sâu trong ngõ ngách. Lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra ở Trung ương và địa phương còn mỏng. Việc xác định hành vi là hàng giả gây khó khăn trong quá trình xử phạt khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã được nâng lên song chưa có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời. Đặc biệt, kinh phí hoạt động còn thiếu, nhất là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Bộ Y tế kiểm tra, thanh tra theo chuyên ngành nên chủ yếu xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm. Việc phát hiện hàng giả, nhập lậu cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan chức năng khác như công an, quản lý thị trường, hải quan và các địa phương.
Theo nhận định của Bộ Y tế, trong năm 2017, tình hình vận chuyển buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, thực phẩm chức năng, dược liệu nhập lậu còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm trước Tết Nguyên đán 2017, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, vận chuyển, lưu thông hàng hóa sẽ tăng cao, nhất là các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thứ trưởng - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng là thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu... tại các địa bàn trọng điểm, khu vực cửa khẩu. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất theo đề nghị phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế và trong trường hợp tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế qua phản ánh của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân như: Thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm… trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Phương Anh/ Báo Thanh tra