Từ trước Tết Trung thu khoảng 1 tháng, các lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ những vụ vận chuyển, kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Tính bình quân mỗi ngày, lực lượng chức năng thu giữ được hàng chục tấn bánh kẹo các loại. Hầu hết các loại bánh kẹo này, chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Trung thu, đều mang nhãn hiệu do Trung Quốc sản xuất. Nhưng có điều, việc thu giữ mới chỉ là phần ngọn, còn phần gốc là số lượng lớn bánh Trung thu đó đi qua những con đường nào để vào thị trường nước ta thì chưa phát hiện ra được. Không ngăn chặn được từ gốc nguồn bánh Trung thu nhập vào nước ta qua những con đường nào thì không bao giờ quản lý hết được số bánh nhập lậu trôi nổi trên thị trường.
Từ giữa tháng 8, Công an Hà Nội phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện một số điểm tập kết bánh Trung thu ở quận Hoàng Mai với số lượng lớn. Theo tài liệu trinh sát của cơ quan công an, toàn bộ số bánh này được nhập lậu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai để đưa vào nội địa tiêu thụ. Nhưng “đường tiểu ngạch ở Lào Cai” gồm những cửa khẩu nào, thuộc địa bàn nào, lực lượng vận chuyển ra sao, bằng phương tiện gì, khối lượng bao nhiêu thì chưa có câu trả lời cụ thể.
Bánh Trung thu nhập lậu chủ yếu từ Trung Quốc. Vậy nước ta có 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc thì sẽ có bao nhiêu đường tiểu ngạch nhập lậu được bánh Trung thu?
Các loại bánh của Trung Quốc nhập về với giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng có thể bán với giá gấp 2-3 lần. Có loại bánh nhập giá 500 đồng nhưng về nước đóng gói lại và bán giá 2000 đồng. Mức lợi nhuận cao như vậy nên các đối tượng tìm mọi thủ đoạn để tuồn được hàng vào nội địa tiêu thụ.
Đại úy Phạm Thế Anh - Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hà Nội) cho biết: để buôn bán trót lọt, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển được thay đổi biển kiểm soát và thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục. Về đến Hà Nội, các đối tượng lại phân chia, xé lẻ hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm.
Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy một thủ đoạn chung các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ hàng lậu là: rao bán trên các trang mạng, khi khách đặt hàng mới bắt đầu gửi ship.
Đáng chú ý, để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng nhỏ lẻ, trị giá vài chục triệu đồng nhưng việc nhập hàng diễn ra gần như đều đặn.
Các chủ hàng buôn bán bánh trung thu Trung Quốc từng khẳng định, họ có nguồn hàng tương đối dồi dào, khách lấy bao nhiêu cũng có và lấy số lượng càng nhiều giá càng rẻ.
Với những thủ đoạn kinh doanh như nói ở trên, việc truy tìm và bắt giữ hàng hóa tại các địa phương rất khó khăn. Vì số lượng hàng hóa nhập lậu lớn, trải rộng khắp các địa phương nên lực lượng chức năng không thể đủ quân kiểm tra, theo dõi hết được. Vấn đề vẫn là phải tìm cách triệt tận gốc nguồn hàng từ biên giới. Nhiệm vụ đó thuộc về lực lượng liên ngành ở các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và các đường mòn, lối mở. Nhưng với địa bàn biên giới trải dài, lực lượng lại mỏng, càng khó kiểm soát hết. Đó vẫn là bài toán nan giải cho bánh Trung thu nói riêng, các loại hàng hóa nhập lậu nói chung từng ngày từng giờ tuồn vào nội địa, chưa biết khi nào khống chế được.