(Chinhphu.vn) - Ngày 14/12, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức hội nghị "Phòng, chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ môi trường, giảm sử dụng túi ni lông trên địa bàn TPHCM" và triển khai kế hoạch thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Các doanh nghiệp giới thiệu cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong 11 tháng năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 4.482 vụ vi phạm (hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và sở hữu trí tuệ, giá và đầu cơ găm hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm), tăng 47,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều nhất có 1.630 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, 731 vụ vi phạm trong kinh doanh và 662 vụ vi phạm hàng giả và sở hữu trí tuệ.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng phát hiện gần 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và kho hàng buôn bán hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ; 587 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu tại các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, việc đẩy mạnh chống sản xuất, kinh doanh, buôn lậu, tiêu thụ hàng gian, hàng giả đang trở nên cấp thiết, đòi hỏi các sở, ngành phải tăng cường nhiều biện pháp hiệu quả hơn.
Đối với Sở Công Thương Thành phố, luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất chân chính, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh.
Tại hội nghị, UBND TPHCM đã triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đường sắt; điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương 24 quận - huyện cùng vào cuộc mạnh mẽ ngăn chặn kịp thời những hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và gian lận thương mại; xử lý nghiêm tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán lấn chiếm lòng đường, hè phố.
Triển khai công tác này, Sở Công Thương và Chi cục quản lý thị trường TPHCM đã ký "Bản thỏa thuận cam kết về việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn TPHCM" với 18 đơn vị gồm các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Lê Anh