Doanh nghiệp FDI nêu hàng loạt vướng mắc với Phó Thủ tướng

 
Loading...
Doanh nghiệp FDI nêu hàng loạt vướng mắc với Phó Thủ tướng
16/6/2017 12:00:00 PM
Doanh nghiệp FDI nêu hàng loạt vướng mắc với Phó Thủ tướng

(Chinhphu.vn) - Đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu hàng loạt vấn đề được cho là vướng mắc với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam.

 

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia Diễn đàn. Ảnh: Enternews.vn

 

“Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho Việt Nam, dẫn đến các thay đổi tích cực, với cách tiếp cận cởi mở, kiến tạo và khuyến khích đóng góp xây dựng, đặt lợi ích người dân và cộng đồng doanh nghiệp lên hàng đầu”.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) khẳng định điều này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra ngày 16/6 tại Hà Nội.

Đây cũng là chia sẻ của nhiều hiệp hội doanh nghiệp tại Diễn đàn, trước sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và lãnh đạo nhiều bộ ngành.

Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề vướng mắc cụ thể cũng được các hiệp hội đưa ra, bên cạnh những kiến nghị đã được nhắc tới nhiều lần liên quan tới việc tăng lương tối thiểu, thời gian làm thêm giờ, nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ…

Rào cản giấy phép kinh doanh

Theo nhóm công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn, Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn Nghị định 23 năm 2007 về mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài yêu cầu phải có “giấy phép kinh doanh” đối với các doanh nghiệp này khi tham gia vào hoạt động nhập khẩu và phân phối bất kỳ loại sản phẩm nào.

Giải thích rõ hơn, ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm công tác này cho rằng không ai biết chắc chắn sẽ phải mất bao lâu để có thể nhận được giấy phép kinh doanh và thời hạn này có thể kéo dài từ hai tháng đến nhiều tháng.

Một vấn đề khác, theo ông Fred Burke, trưởng nhóm công tác, “chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự cần thiết phải có cái gọi là “kiểm tra nhu cầu kinh tế” (“ENT”) và chưa bao giờ nhận được một câu trả lời thỏa đáng về việc vì sao ENT là cần thiết”. “Không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cho việc áp dụng ENTvà tất cả những gì ENT đem lại là gây ra một trở ngại khác cho các nhà bán lẻ nước ngoài muốn phát triển thị trường”, ông này nói thêm.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu đều nhắc tới yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất luật và chính sách. Theo các doanh nghiệp Nhật, trong trường hợp thủ tục có liên quan tới nhiều cơ quan cấp Bộ, đôi khi việc giải thích của từng Bộ khác nhau, làm cho thủ tục bị đình trệ.

Do đó, các doanh nghiệp Nhật đề xuất cần thành lập một tổ chức mới giữa các Bộ ngành có thẩm quyền để giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh do dự không rõ ràng.

Theo ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), vẫn còn có một số những rào cản phía sau biên giới làm cản trở thương mại, như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được phép phân phối dược phẩm.

Rồi Nghị định 181 năm 2013 yêu cầu các đơn vị Việt Nam chỉ được thuê các công ty quảng cáo được cấp phép trong nước. Điều này hạn chế cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ trong nước và quốc tế khi họ muốn sử dụng kênh quảng bá xuyên biên giới như Google hay Facebook.

“Trong khi, với ngân sách giới hạn cho quảng cáo và tiếp thị, đây là hình thức dễ dàng và hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình”, ông Jonathan Moreno nói.

Nơi không được phép là nơi nào?

Còn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thì than phiền về quy định tại Nghị định 167 năm 2013, theo đó sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: làm trần, sàn, vách ngăn, mái che hoặc tập kết vật liệu dễ cháy ở những nơi không được phép theo quy địn.

“Tuy nhiên, quy định này thiếu thông tin chi tiết, như không quy định những nơi không được phép là những nơi nào. Chúng tôi muốn yêu cầu  bổ sung chi tiết hơn để tránh việc hiểu luật một cách tùy tiện từ phía cán bộ nhà nước”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc Ryu Hang Ha kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc lại bày tỏ quan ngại trước thực trạng việc kết nối cộng sinh kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Cụ thể,  tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI  rất hạn chế. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp gần nhất, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tạiViệt Nam. Con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.

VCCI kiến nghị, để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp trong nước. “Đây là chìa khóa quan trọng nhất thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI”, ông Lộc nói.

Cùng với đó, cần có giải pháp đột phá và thực tế để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Theo Thành Đạt/ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày