Nông sản Tàu sẽ “đè” nông sản Việt?

 
Loading...
Nông sản Tàu sẽ “đè” nông sản Việt?
29/11/2016 12:00:00 AM
Nông sản Tàu sẽ “đè” nông sản Việt?
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018. Theo đó, từ năm 2018 hàng trăm mặt hàng nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%.

Hàng nông sản Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: vietnamnet.vn

Đây là lộ trình hội nhập không thể khác được. Chúng ta không thể bảo hộ ngành Nông nghiệp mà phải gắng sức tạo ra nông sản vừa có chất lượng cao, có giá cả hợp lý, vừa cung ứng đủ cả 4 mùa. Có như thế mới cạnh tranh được với hàng Tàu giá rẻ trên đất Việt.

Theo Nghị định, các mặt hàng rau, củ, quả, cá, tôm, mực, thịt, ca cao, bột cho đến các phụ phẩm như đầu, chân, cánh gà, nội tạng trâu, bò, lợn từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ 15% xuống 0%.

Còn hơn 1 năm nữa mức thuế trên mới được áp cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Tuy nhiên, lâu nay các loại rau, củ, quả, nội tạng trâu, bò, gia cầm của Trung Quốc được bán trên thị trường Việt Nam có giá bằng 3/5 giá hàng nội địa. Rất có thể nhiều mặt hàng nông sản, phụ phẩm nói trên vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch trốn được thuế, nhưng ngay cả những mặt hàng phải nộp thuế nhập khẩu thì giá bán cũng rẻ hơn hàng nội địa. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam đang đứng trước thử thách lớn.

Nhìn lại nhiều năm qua, nông sản Tàu có đủ “mùa nào thức ấy”, bán ê hề từ chợ cóc, chợ quê đến các siêu thị của Việt Nam và giá cả tương đối ổn định. Mặc dù được vận chuyển xa hàng trăm, hàng nghìn cây số, nhưng rau, củ, quả Tàu có mẫu mã đẹp, bảo quản được dài ngày. Trong khi rau, củ, quả Việt thì sản lượng không ổn định, mẫu mã kém bắt mắt. Tình trạng được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa thường xuyên diễn ra.

Hầu hết người tiêu dùng đều biết, nông sản Tàu chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, nhưng giá rẻ, phù hợp với sức chi tiêu của số đông người Việt. Do vậy, dù bị cảnh báo là độc hại thì sức tiêu thụ vẫn lớn. Ngoài ra, một số lượng không nhỏ thịt, cá, rau, củ, quả Tàu đội lốt hàng Việt như: Cam được gắn mác cam Cao Phong, nho gắn mác nho Ninh Thuận, táo gắn mác táo Hà Giang, cà chua và khoai tây gắn mác Đà Lạt… Hay, gà thải loại gắn mác gà công nghiệp Việt đẻ hết trứng…

Băn khoăn nhất hiện nay của toàn xã hội là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng nội địa không phải hoàn toàn sạch nhưng có xuất xứ tương đối rõ ràng. Đó là lý do nhiều người, nhiều khách hàng chọn nông sản nội. Có ý kiến cho rằng, mỗi mặt hàng nông sản tương ứng với những đối tượng tiêu dùng, căn cứ vào túi tiền của mỗi người. Thực tế trong xã hội đang diễn ra đúng như vậy, nhưng về bản chất sâu xa, sức khỏe của mỗi người là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trách nhiệm đó từ ý thức, hành động của mỗi người đến người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước.

Việt Nam là thành viên của ACFTA, cũng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại trên thế giới. Do vậy, với xu hướng thương mại hóa toàn cầu hiện nay, hàng hóa của nước này được bán ở nước khác là điều tất yếu. Cho nên, chúng ta phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đó tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Còn về giá cả cạnh tranh thì Việt Nam không có cách nào khác phải tiết giảm chi phí đầu vào, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nông sản Việt có năng suất và chất lượng cao, từ đó mới có giá cạnh tranh với hàng nhập. Kết hợp được hai yếu tố trên thì nông sản Việt mới đứng vững được trên đất nhà.

Thế Lữ

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày