Chống buôn lậu thuốc lá: Kiên quyết làm đến cùng

 
Loading...
Chống buôn lậu thuốc lá: Kiên quyết làm đến cùng
23/11/2016 12:00:00 AM
Chống buôn lậu thuốc lá: Kiên quyết làm đến cùng
THCL Buôn lậu nói chung, trong đó có buôn lậu thuốc lá đang là một trong những vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thiệt hại đủ đường

Trong các mặt hàng buôn lậu, thuốc lá có sức hấp dẫn nhất do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, mức chênh lệch cao (gấp 4,5 lần). Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận.

Thuốc lá lậu đang gây thất thu thuế lớn cho NSNN: Năm 2012, thất thu khoảng 6.500 tỷ đồng và đã tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được về chất lượng. Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế. Các chất độc hại như coumarin, cadmium vượt quá mức cho phép trong thuốc lá nhập lậu, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thuốc lá lậu đang gây thất thu thuế lớn cho NSNN

Trong những năm qua, Hiệp hội Thuốc lá đã tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu. Nhất là sau khi Thủ tướng ban hành QĐ 2371/QĐ-TTG ngày 26/12/2014 tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Hiệp hội đã huy động gần 34 tỷ đồng chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và các BCĐ 389 địa phương.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Năm 2015, Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014, góp phần tăng thu NSNN gần 10.000 tỷ đồng. 10 tháng qua, Hiệp hội đã hỗ trợ tiêu hủy trên 16 tỷ đồng (sẽ nâng mức hỗ trợ tiêu hủy lên 4.500 đồng/bao, từ 1/1/2017).

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị riêng về chống buôn lậu thuốc lá. Trong đó, Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trên cả nước, tình trạng buôn lậu thuốc lá đã có dấu hiệu thuyên giảm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 tới nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.

Chế tài chồng chéo

Một trong những vấn đề đặt ra đó là chế tài xử lý hiện này còn nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là quy định mới đây trong Bộ luật Hình sự 2015, đã tạo nhiều kẽ hở cho buôn lậu ngày càng phát triển.

Cụ thể, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại Bộ luật Hình sự 1999.

Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao, được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại Bộ luật Hình sự 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu, muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng.

Mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ nên tính răn đe sẽ giảm đi rất nhiều. Nguyên do, mức tối thiểu để bị xử lý hình sự tăng tới 4,4 lần so với luật hiện hành nếu tính giá bán buôn trung bình là 15.000 đồng/bao. Mức tăng này là quá lớn trong bối cảnh kinh tế - xã hội không có nhiều biến động, tiêu thụ thuốc lá toàn xã hội và giá thuốc lá trước thuế nói chung không thay đổi nhiều trong khi vấn nạn buôn lậu thuốc lá vẫn đang tiếp diễn phức tạp và có xu hướng gia tăng từ đầu năm 2016.

Bên cạnh đó, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp sẽ phức tạp, phải qua hội đồng định giá, có sự tham gia của đại diện đến từ nhiều cơ quan khác nhau.

Quy định trên đi ngược lại với chính sách tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian gần đây (cụ thể là Chỉ thị số 30/CT-TTg năm 2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và NĐ 124/2015/NĐ-CP).

Đặc biệt, Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) quy định “kinh doanh sản phẩm thuốc lá” là “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” đã gây ra hiểu nhầm rằng kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu là ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trên thực tiễn.

Mặc dù, Điều 90 - Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Thuốc lá điếu nhập lậu cũng được quy định là hàng cấm kinh doanh theo NĐ 43/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại.

Hà Thu

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • banner phải 2
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày