Tội phạm gia tăng
Kết quả cụ thể, phát hiện, xử lý 3.319 vụ buôn lậu giảm 18 vụ (0,54%); 6.497 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm giảm 294 vụ (4,53%); 298 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tăng 41 vụ; 468 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, giảm 59 vụ, (11,9%); 745 vụ trốn thuế, giảm 8 vụ (1,06%); 50 vụ lưu hành tiền giả, giảm 1 vụ (1,96%). Khởi tố 589 vụ, 771 bị can; xử lý hành chính 3.827 vụ, 4.133 đối tương; đang xử lý và chuyển các cơ quan chức năng khác xử lý 6.663 vụ.
Riêng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74) phát hiện, bắt giữ 163 vụ việc, tăng gấp 3,62 lần so với 06 tháng cuối năm 2015 (163/45 vụ); trong đó, 118 vụ buôn lậu, 30 vụ hàng cấm, 6 vụ hàng giả. Do C74 chưa có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và điều tra hình sự, nên tất cả các vụ việc trên đều được chuyển cho các cơ quan chức năng (công an địa phương, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, kiểm lâm...) tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…
Bộ Công an đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho CBCS có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh CHG.
Đặc biệt, trong tháng 7/2016, C74 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 389/QG gửi Thư khen về thành tích bắt giữ 03 vụ nhập lậu thuốc lá vào các tỉnh Long An và Tây Ninh, thu giữ 122.750 bao thuốc lá ngoại hiệu Jet và Hero. Tháng 12/2016, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã có văn bản đề nghị BCĐ 389/QG khen thưởng cho các đơn vị công an lập thành tích xuất sắc trong công tác CHG.
Có thể khẳng định, năm 2016, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389/QG trong công tác CHG. Số vụ buôn lậu do lực lượng công an phát hiện, phối hợp bắt giữ tuy có giảm, nhưng nhiều loại tội phạm tăng như vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (tăng 41 vụ), đặc biệt đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân ghi nhận, góp phần phòng ngừa, kiềm chế tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm vẫn là nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển KT-XH của đất nước và đời sống nhân dân. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trên các các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới, tuyến hàng không, tuyến biển, tuyến đường bộ và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất... Đặc biệt, số vụ án khởi tố, điều tra xử lý hình sự còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, tình hình trên có nhiều nguyên nhân: Nhiều quy định của pháp luật còn bất cập dẫn đến việc phát hiện, điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gặp nhiều khó khăn, nhất là chứng minh yếu tố qua biên giới của tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (quy định tại Điều 153 và Điều 154 - BLHS). Việc định giá trị bằng tiền và giám định vật chứng là động vật, sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi rất khó khăn do đó là những mặt hàng không được bán trên thị trường nên không xác định được trị giá thương mại; việc xử lý hình sự các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, pháo nổ còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác CHG từ Trung ương đến cơ sở còn chưa tốt, chưa gắn kết thường xuyên, kịp thời trong trao đổi, chia sẻ thông tin tội phạm... Việc kiểm tra công tác CHG của các lực lượng chức năng đối với các địa phương chưa thường xuyên dẫn đến chưa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương hoặc để xảy ra tình trạng khi triển khai chiến dịch rầm rộ thì kết quả phát hiện, đấu tranh nhiều nên tình hình giảm. Nhưng khi kết thúc chiến dịch thì gia tăng trở lại.
Tổ chức lực lượng đấu tranh phòng ngừa chưa phù hợp, trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế, khoán kinh phí thường xuyên… Trong khi đó, trang thiết bị phương tiện, kinh phí và cơ chế hỗ trợ cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hiểu rõ tác hại của buôn lậu, hàng giả… chưa thực sự được quan tâm, thiếu thường xuyên, chưa tạo thành hệ thống đồng bộ nên chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống...
Trước hình hình đó, năm 2017, Bộ Công an đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; chủ động làm tốt chức năng tham mưu cho Chính phủ, BCĐ 389/QG trong công tác CHG; chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ trinh sát…
Theo Thanh Hà/ Báo Thương hiệu và Công luận