Truy xuất mã code thực phẩm: Làm sao để an toàn?

 
Loading...
Truy xuất mã code thực phẩm: Làm sao để an toàn?
17/3/2017 12:00:00 PM
Truy xuất mã code thực phẩm: Làm sao để an toàn?

(Chinhphu.vn) - Tại Hà Nội, truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại thông minh (smartphone) đang là mốt đối với nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, việc truy xuất này có bảo đảm 100% thực phẩm đó có an toàn không thì nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự chắc chắn.

Các sản phẩm rau củ được cấp mã code. Ảnh: Đỗ Hương

Mã code có tác dụng gì?

Để tạo lòng tin cho các bà nội trợ, nhiều doanh nghiệp đã gắn mã truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy suất thông tin bằng smart phone. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, mấu chốt của việc truy suất nguồn gốc là kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, không phải là các thông tin được các doanh nghiệp cung cấp.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm tại Hà Nội cho rằng: “Đã bán hàng thực phẩm, nông sản thì ai cũng cho rằng, mình bán sản phẩm sạch. Trước đây, họ không chứng minh được nguồn gốc, nay họ đưa thông tin lên mạng để người tiêu dùng tin tưởng, truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, quá trình sản xuất của họ như thế nào thì không ai kiểm tra”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Biggreen Hà Nội, với chuỗi thực phẩm sạch Biggreen cho biết: “Một số doanh nghiệp tự làm, tự công bố thông tin, không có tổ chức nào chứng nhận nên độ tin cậy không cao. Ví dụ, một doanh nghiệp nhập rau ở đâu đó, sau đó công bố nhập từ Đà Lạt, người tiêu dùng cũng không thể biết được”.

Do vậy, ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, mặc dù có mã code để kiểm tra nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin hoàn toàn vào những thông tin ghi trên các mã này. “Chúng tôi cũng không biết giải thích thế nào với người tiêu dùng về các sản phẩm của mình. Chúng tôi có quay video, đưa khách đi thực tế, nhưng chi phí rất tốt kém nên số lượng hạn chế”, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm nói.

Hiện nay, ở Hà Nội chỉ có 5 doanh nghiệp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hà Nội thí điểm chứng nhận cấp mã QR Code. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất nộp giấy tờ, chứng nhận sản xuất sạch cho các đơn vị này. Các đơn vị này sẽ cử người thẩm định chất lượng. Nếu đạt yêu cầu mới cấp mã QR Code, bảo đảm an toàn. Doanh nghiệp hoàn toàn không can thiệp được vào quy trình này.

Thưc chất, việc cấp mã code là để người tiêu dùng truy xuất ra nguồn gốc sản phẩm do đơn vị nào sản xuất, đơn vị nào phân phối chứ không hoàn toàn là quản lý về yếu tố chất lượng. Trong cam kết cấp mã code, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nghĩa là khi có vấn đề đối với sản phẩm, truy xuất ra là do ai sản xuất, ai cung cấp, ai phân phối... sai ở khâu nào khâu đó chịu.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Biggreen Hà Nội (áo tím) đang giới thiệu về các nông sản đã được cấp mã code của công ty mình. Ảnh: Đỗ Hương

Cần đơn vị giám sát chất lượng các mã code

Thực tế, để tạo ra chuỗi nông sản an toàn, truy suất nguồn gốc không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì chi phí tốn kém, trải qua nhiều công đoạn kiểm tra.

Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã vận động các hợp tác xã tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn, từ đó thành lập Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), chuỗi siêu thị thực phẩm an toàn UCAMART.

Đối với các HTX, trước khi đưa sản phẩm vào siêu thị, UCA sẽ đến tận nơi khảo sát vùng trồng, kiểm tra chất lượng đất, nước ... “Nếu đáp ứng yêu cầu UCA mới ký hợp đồng. Sau đó, toàn bộ quá trình sản xuất của HTX sẽ chịu sự giám sát của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương”, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc của UCA chia sẻ.

Theo đó, từ khâu sản xuất như: làm đất, gieo hạt, thời điểm tưới phân, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển… đều được nông dân chụp lại, gửi về trung tâm thông tin của UCA. Toàn bộ thông tin sẽ được mã hóa, khi sản phẩm ra đến chuỗi siêu thị sẽ được dán nhãn truy xuất nguồn gốc, được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống camera giám sát tại ruộng, giám sát các xe vận chuyển. Như vậy, người tiêu dùng có thể truy xuất và xem toàn bộ quá trình sản xuất, đường đi của sản phẩm”, ông Tuấn nói thêm.

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng tin tưởng hơn vào quy trình truy suất nguồn gốc, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho rằng: “Quan trọng nhất là phải có đơn vị kiểm định, chứng nhận quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Bên kiểm định độc lập này sẽ giám sát, điều tra toàn bộ quy trình sản xuất. Trên thế giới, các tổ chức chứng nhận này khá phổ biến. Ở Việt Nam chủ yếu là các đơn vị nhà nước chứng nhận, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin vào các đơn vị chứng nhận này”.

Do vậy, “Cần có chính sách để tư nhân tham gia vào việc giám sát, kiểm định chất lượng nông sản. Nếu đơn vị nào sai phạm sẽ xử phạt thật nặng. Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm với chất lượng nông sản, được kiểm định chất lượng, rõ ràng về mặt thông tin, ngày sản xuất, quy trình sản xuất”, ông Chiến nói thêm.

Theo Đỗ Hương/ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày