Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội): Một điểm nóng về buôn lậu

 
Loading...
Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội): Một điểm nóng về buôn lậu
2/3/2017 12:00:00 PM
Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội): Một điểm nóng về buôn lậu

THCL Năm 2016, cơ quan chức năng huyện Gia Lâm đã tiến hành kiểm tra, xử lý 165 vụ buôn lậu và hàng giả trên địa bàn xã Ninh Hiệp, thu nộp NSNN tổng số tiền 10.327.899.000 đồng; phạt hành chính 1.477.677.000 đồng; tịch thu hàng hóa trị giá 2.228.050.000 đồng; truy thu thuế 6.622.172.000 đồng…

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Xã Ninh Hiệp nằm giữa các quốc lộ 1A, 1B  - là các tuyến đường trung chuyển hàng hóa chủ yếu từ cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội. Đây là địa bàn được thành phố xác định là khu vực trọng điểm cần quản lý về buôn lậu và hàng giả (chủ yếu là vải, quần áo, các sản phẩm dược liệu, hàng hóa tiêu dùng từ Trung Quốc về Việt Nam).

Ninh Hiệp có truyền thống buôn bán vải, quần áo, thuốc nam, thuốc bắc từ nhiều năm và ngày càng tăng nhanh về số hộ kinh doanh. Tình trạng kinh doanh không đúng ngành nghề, địa điểm kinh doanh thực tế không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận ĐKKD; kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, hàng hóa thường được tập kết ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên…, khi có điều kiện thuận lợi thì được phân chia nhỏ lẻ và chuyên chở bằng xe tải nhỏ, xe thô sơ qua các tuyến đường thôn, xóm tập kết về Ninh Hiệp, gây khó khăn cho các lực lượng thực thi.

Từ năm 2009, Ninh Hiệp đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là “Làng nghề truyền thống thuốc nam thuốc bắc”. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh, sơ chế biến, phân loại đông dược tại làng nghề chủ yếu được các hộ dân làm tại nhà nên quy trình, điều kiện vệ sinh không được bảo đảm. Sơ chế theo hình thức thủ công, hấp sấy bằng lò than, thậm chí không có biển hiệu kinh doanh, hóa đơn chứng liên quan đến nguyên liệu hàng hóa không đầy đủ.

Các sản phẩm và nguyên vật liệu thuốc nam, thuốc bắc không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe NTD.

Năm 2016, số hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn, sổ sách bán hàng rất thấp (chỉ có 76/2.074 hộ kinh doanh), có tới 96% các hộ nộp thuế nhà nước theo hình thức khoán hàng tháng dẫn đến tình trạng kinh doanh mua bán hàng hóa không có, hoặc không lưu giữ hóa đơn chứng từ theo quy định.

Khó khăn trong công tác đấu tranh

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ 389 huyện Gia Lâm: Do Ninh Hiệp có địa bàn phưc tạp, giáp ranh tỉnh khác, có nhiều tuyến đường chạy qua nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả.

Hàng hóa được các đầu lậu tập kết tại vùng biên, vận chuyển về các tỉnh rồi chia lẻ về Hà Nội, các đối tượng thường dùng 2 xe ô tô chở lên để vận chuyển hàng lậu, các xe này có số lượng và chủng loại hàng giống nhau. Toàn bộ các xe chở hàng này chỉ có 01 bộ hóa đơn chứng từ và giá trị hàng hóa viết trên hóa đơn thường rất thấp so với giá trị thực của hàng hóa.

Phần lớn các hộ kinh doanh trên địa bàn xã thực hiện theo chế độ thuế khoán, vì vậy chưa có ý thức sử dụng hóa đơn khi mua bán lẻ.

Hàng hóa bày bán (sau khi mua đi bán lại) không có nhãn mác, đặc biệt hàng hóa là vải may mặc đã được xé lẻ thành tấm, miếng nhỏ, không xác định được nguồn gốc.

Đa số các chủ kinh doanh đều có quan hệ gia đình làng xã nên có tâm lý “bảo nhau trây ỳ”, không chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh.

Phương thức hoạt động của một số đối tượng buôn lậu là luôn thay đổi biển số xe, có người canh gác lực lượng chức năng tại các điểm nhạy cảm trên các ngả đường để đưa hàng vào địa bàn.

Đối với hàng ra: Chủ yếu vận chuyển bằng xe máy nhỏ lẻ ra các quốc lộ 1A, 1B, Quốc lộ 3 kéo dài đang xây dựng cắt ngang các quốc lộ 1A, 1B để gửi hàng đi các tỉnh bằng các xe ô tô tuyến.

Cán bộ công chức được phân công địa bàn thường có tâm lý ngại va chạm với thương nhân trong chợ, trong làng xóm (vì người cùng làng).

Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thực hiện sản xuất, chế biến tại hộ gia đình, ngõ xóm, không có biển hiệu, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát…

Chú trọng công tác tuyên truyền

Ngoài công tác chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính, BCĐ 389 huyện Gia Lâm đã chú trọng đến việc phối hợp với các lực lượng chức năng, các phòng, ban, ngành, DN, hiệp hội… tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới người dân, thương nhân, nâng cao nhận thức của NTD.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kết hợp với tuyên truyền tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, các DN làm ăn chân chính, cũng như quyền lợi chính đáng của NTD.

Vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu bằng cách không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP và tố giác những đối tượng vi phạm hành chính đến các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng chống buôn lậu, hàng giả, ATTP, thực hiện theo nội dung Công văn số 16/BCĐ-QLTTS8, ngày 13/12/2016 của BCĐ 389 huyện Gia Lâm về việc thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả.

Tổ chức cho các DN, hộ kinh doanh ký cam kết không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm, tuyên truyền thông qua các đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với công tác chống buôn lậu và hàng giả, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý về thương mại…

Theo Nguyễn Kiên/ Báo Thương hiệu và Công luận

 

Tin mới
Danh mục
Tin xem nhiều
Quảng cáo
  • banner phải 2
  • bannerphai1
Thống kê truy cập
Tiêu Điểm Ngày